Bệnh chốc (Impetigo): Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Chốc là bệnh nhiễm khuẩn nông ở da, phổ biến và dễ lây lan do vi khuẩn, đặc trưng bởi tổn thương bọng nước và vảy tiết màu mật ong. Nguyên nhân là do tụ cầu vàng (50-70%), liên cầu hoặc phối hợp cả hai. Bệnh có thể được chia thành chốc không có bọng nước và chốc có bọng nước.
Đối tượng nguy cơ bị chốc
Chốc có thể gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp nhất ở trẻ nhỏ. Bệnh thường lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp. Một số yếu tố nguy cơ của bệnh, bao gồm:
- Bệnh ngoài da: viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc, ghẻ, thủy đậu
- Chấn thương da: vết rách, vết côn trùng cắn, bỏng nhiệt, trầy xước
- Ức chế miễn dịch
- Khí hậu ấm áp, ẩm ướt
- Vệ sinh kém
- Môi trường chật chội, đông đúc.
Nguyên nhân bệnh chốc
Chốc thường do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), ít gặp hơn là do liên cầu (Streptococcus pyogenes) gây ra .
CHỐC KHÔNG CÓ BỌNG NƯỚC
- Do vi khuẩn Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes hoặc cả hai vi khuẩn cùng gây ra .
- Da còn nguyên vẹn có khả năng chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn. Sự mất toàn vẹn của da tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào.
CHỐC CÓ BỌNG NƯỚC
- Do vi khuẩn Staphylococcus aureus sinh độc tố bong da của tụ cầu (exfoliatin A và B) gây ra.
- Các độc tố tác động vào cầu nối desmoglein - 1 của các tế bào gai ở thượng bì, làm bóc tách lớp nông của thượng bì.
- Dẫn đến sự bóc tách lớp nông của thượng bì gây ra bọng nước, tạo hình ảnh giống pemphigus vảy lá.
- Có thể xảy ra cả ở những vùng da còn nguyên vẹn.
Đặc điểm lâm sàng bệnh chốc
CHỐC KHÔNG CÓ BỌNG NƯỚC
- Thường gặp ở mặt, chân tay, nhưng cũng có thể gặp ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể.
- Ban đầu là một dát đỏ, sau phát triển thành mụn nước, bọng nước hóa mủ nhanh, dập vỡ để lại các vết trợt nông và đóng vảy tiết màu mật ong.
- Khi vảy tiết bong ra để lại nền da đỏ trợt ướt, khi lành để lại dát thâm.
- Ít hoặc không có dát đỏ xung quanh.
- Có thể lây lan thông qua các tổn thương vệ tinh do tự nhiễm trùng.
- Thương tổn đối xứng (“Kissing lesions”) xảy ra ở vị trí hai bề mặt da tiếp xúc với nhau.
- Toàn trạng ổn định, có thể bị ngứa và nổi hạch vùng .
CHỐC CÓ BỌNG NƯỚC
- Thường xuất hiện ở mặt, thân mình, chân tay, mông và tầng sinh môn .
- Có thể lây lan rộng do tự nhiễm trùng.
- Biểu hiện dưới dạng các bọng nước nông, kích thước lớn hoặc nhỏ, xuất hiện nhanh chóng, dễ vỡ, rỉ dịch màu vàng và để lại viền vảy.
- Có thể có các triệu chứng toàn thân như khó chịu, sốt và nổi hạch.
Chẩn đoán bệnh chốc
- Chốc được chẩn đoán chủ yếu dựa vào các đặc điểm lâm sàng như nổi mụn nước, bọng nước hóa mủ nhanh, dập vỡ tạo thành vết trợt nông, đóng vảy tiết màu vàng mật ong, vị trí hay gặp là quanh mũi, miệng, da đầu, tay chân..
- Xét nghiệm nuôi cấy ở da và làm kháng sinh đồ nếu bệnh chốc tái phát , lan rộng hoặc có lo ngại về nhiễm trùng MRSA.
- Nên xét nghiệm dịch mũi trong trường hợp tái phát vì có thể xác định được vi khuẩn tụ cầu trong mũi, cần xử lý.
- Sinh thiết được chỉ định khi các triệu chứng không rõ ràng (đặc biệt là chốc có bọng nước) hoặc không đáp ứng với điều trị.
- Hình ảnh mô bệnh học đặc trưng.
Chẩn đoán phân biệt bệnh chốc
- Pemphigus vảy lá
- Pemphigus thông thường
- Viêm nang lông (mụn mủ)
- Virus Herpes simplex
Biến chứng bệnh chốc
- Nhiễm trùng lan rộng: viêm mô bào, viêm mạch bạch huyết và nhiễm trùng huyết.
- Hội chứng bong vảy da do tụ cầu
- Bệnh tinh hồng nhiệt
- Viêm cầu thận sau nhiễm liên cầu khuẩn
- Hội chứng sốc do nhiễm độc liên cầu khuẩn
- Tăng sắc tố sau viêm .
Sẹo, đặc biệt là sẹo do bệnh chốc loét.
Điều trị bệnh chốc
Bệnh chốc thường tự khỏi mà không có biến chứng. Nếu không điều trị, bệnh thường khỏi trong 2–3 tuần; nếu điều trị, tổn thương sẽ hết trong vòng 10 ngày.
BIỆN PHÁP CHUNG
- Vệ sinh nhẹ nhàng thường xuyên; loại bỏ lớp vảy màu mật ong.
- Vệ sinh tay sạch sẽ và cắt ngắn móng tay.
- Che vùng thương tổn bằng băng không thấm nước để ngăn ngừa lây lan.
CÁC BIỆN PHÁP CỤ THỂ
Thuốc kháng sinh tại chỗ
- Đối với tổn thương chốc khu trú không có bọng nước, nên dùng thuốc sát trùng 2–3 lần mỗi ngày trong 5–7 ngày (ví dụ kem hydrogen peroxide 1% hoặc thuốc mỡ povidone — iốt 10%).
- Thuốc kháng sinh tại chỗ như axit fusidic hoặc mupirocin có hiệu quả trong điều trị chốc không có bọng nước, tuy nhiên, việc sử dụng chúng có thể không được khuyến khích ở một số quốc gia do tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn .
- Có thể cân nhắc dùng thuốc kháng sinh tại chỗ khi điều trị bằng thuốc sát trùng không có hiệu quả hoặc không phù hợp (ví dụ như chốc quanh mắt).
- Axit fusidic là thuốc đầu tay.
- Sử dụng mupirocin khi nhiễm trùng MRSA.
Thuốc kháng sinh uống
- Được khuyến cáo sử dụng trong trường hợp chốc có bọng nước, chốc không có bọng nước lan rộng (>3 tổn thương), khi điều trị tại chỗ không hiệu quả, người bệnh có nguy cơ biến chứng cao hoặc khi có triệu chứng toàn thân.
- Thuốc flucloxacillin đường uống thường là loại kháng sinh được lựa chọn đầu tiên.
- Các lựa chọn thay thế có thể bao gồm trimethoprim + sulfamethoxazole hoặc erythromycin (nếu dị ứng với penicillin hoặc nhiễm trùng MRSA).
Phòng ngừa bệnh chốc
- Tránh chạm vào vùng tổn thương.
- Vệ sinh tay sạch sẽ; rửa tay trước và sau khi thoa kem.
- Sử dụng khăn sạch để rửa và lau khô vùng tổn thương.
- Không dùng chung khăn tắm hoặc khăn mặt.
- Quần áo và ga giường phải được thay hàng ngày; giặt bằng nước nóng.
- Hạn chế tiếp xúc gần với người khác — trẻ em đi học/nhà trẻ nên ở nhà cho đến khi các tổn thương đóng vảy hoặc đã được điều trị ít nhất 24 giờ.