Bệnh da do nấm Candida
Bệnh da do nấm Candida là bệnh nhiễm trùng da do nấm Candida, thường gặp nhất là Candida albicans. Candida là loại nấm men thường trú ở đường tiêu hóa và âm đạo của con người. Trong điều kiện thuận lợi, nấm Candida phát triển quá mức và gây bệnh. Bệnh thường gặp ở vùng da ẩm ướt, nếp gấp da.
1. Tổng quan về bệnh da do nấm Candida
Bệnh da do nấm Candida đã được các danh y thời cổ đại như Hypocrate và Galen mô tả dưới những cái tên khác nhau. Mãi đến thế kỷ 18 và 19, các nhà khoa học mới bắt đầu hiểu rõ hơn về căn bệnh này. Candida albicans là chủng nấm Candida phổ biến nhất gây bệnh.
Khả năng gây bệnh của Candida phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:
- Yếu tố bên ngoài:
- Vết thương hở trên da, niêm mạc
- Các bệnh lý viêm da, niêm mạc
- Khí hậu nóng ẩm
- Yếu tố bên trong:
- Suy giảm miễn dịch
- Rối loạn chuyển hóa như đái tháo đường
- Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, kháng sinh, corticoid
- Thay đổi nội tiết tố như mang thai, sử dụng thuốc tránh thai
2. Triệu chứng bệnh da do nấm Cadida
Bệnh da do nấm Candida có thể biểu hiện ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể, mỗi vị trí có những đặc điểm riêng biệt:
- Viêm kẽ lớn
Thường gặp ở kẽ bẹn, mông, nách, nếp gấp dưới vú, nếp da bụng. Biểu hiện bằng các vết trợt màu đỏ sẫm, ranh giới rõ, ẩm ướt, xung quanh có viền vảy nhỏ màu trắng, và có thể có các nốt nhỏ rải rác xung quanh.
- Viêm kẽ tay
Thường gặp ở kẽ ngón 3 - 4 và các mặt bên của ngón tay, đặc biệt ở những người thường xuyên tiếp xúc với nước. Biểu hiện bằng lớp sừng bị mủm, sưng, màu trắng nhợt hoặc trợt da, để lộ bề mặt da đỏ bóng, hơi ướt, xung quanh có mảng thượng bì bị mủn.
- Viêm lòng bàn tay, bàn chân
Da dày, nếp da nổi rõ, có màu xám bẩn.
- Viêm da ở trẻ sơ sinh và người lớn
Xuất hiện các mảng đỏ, bong vảy, giới hạn rõ, xung quanh có lớp thượng bì bị mủn, màu trắng nhạt.
- Viêm quy đầu và da quy đầu
Thường gặp ở nam giới bị đái tháo đường hoặc có bạn tình bị viêm âm đạo do nấm Candida. Biểu hiện bằng các vết trợt màu đỏ tươi, giới hạn rõ rệt, xung quanh có bờ rõ do thượng bì bị mủn.
- Nấm Candida ở da đầu
Biểu hiện là đám viêm chân tóc có mủ, chứa tụ cầu và nấm men, gây rụng tóc và không mọc lại.
- Viêm niêm mạc miệng
Hay gặp ở trẻ em sơ sinh, biểu hiện bằng các chấm trắng như hạt kê ở mặt trong má, lưỡi, lợi, hàm ếch trên nền niêm mạc đỏ tươi, các chấm này có thể liên kết thành mảng trắng.
- Viêm mép và viêm môi
Thường gặp ở người thiếu vitamin B2, biểu hiện bằng nền da đỏ tươi, xuất hiện các đám mủn phủ lớp vảy trắng bẩn, khi bóc ra sẽ thấy các vết nứt hoặc vết trợt nhỏ.
- Viêm quanh móng và viêm móng
Biểu hiện bằng nếp gấp da xung quanh móng sưng, đỏ tím, ấn vào có mủ chảy ra, móng tay trở nên mỏng và mủn, có khía ngang điển hình, đôi khi móng bong ra dễ dàng.
- Viêm đường sinh dục
- Nam giới: gây viêm niệu đạo với các triệu chứng như tiểu buốt, tiểu rắt, tiểu nhiều lần, có mủ hoặc máu trong nước tiểu. Cũng có thể gây viêm quy đầu với biểu hiện viêm đỏ, có lớp giả mạc trắng, đôi khi có vết trợt kèm đau rát hoặc ngứa dữ dội.
- Nữ giới: gây viêm âm hộ âm đạo với các triệu chứng ngứa dữ dội, rát bỏng, âm hộ đỏ, phủ toàn bộ hoặc từng phần, rãnh giữa môi lớn và môi bé có phủ chất nhày trắng đục, âm đạo có chất nhày màu kem, thành âm đạo đỏ tươi, cổ tử cung phù nề, không loét, phủ một lớp màng giả.
Ngoài các triệu chứng đặc trưng tại chỗ, bệnh nhân có thể có các triệu chứng toàn thân như mệt mỏi, sốt nhẹ.
3. Chẩn đoán bệnh da do nấm Candida
CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH
Chẩn đoán bệnh da do nấm Candida dựa vào:
- Lâm sàng: các triệu chứng đặc trưng theo vị trí tổn thương
- Xét nghiệm:
- Soi tươi: phát hiện nấm men nảy chồi và giả sợi
- Nuôi cấy: phân lập nấm Candida và xác định chủng nấm
- PCR: phân loại các loại nấm Candida khác nhau, tuy nhiên có thể gặp khó khăn khi trong bệnh phẩm có nhiều hơn một loại Candida.
CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT
Cần chẩn đoán phân biệt bệnh da do nấm Candida với các bệnh lý khác như:
- Viêm da do vi khuẩn: màu đỏ, ranh giới không rõ, soi đèn Wood có màu đỏ gạch.
- Chàm: không có bờ viền vảy trắng mỏng, không có tổn thương vệ tinh.
- Vảy nến: vảy dày.
- Viêm da tiếp xúc: kích ứng hoặc dị ứng.
- Bạch sản: trong lichen phẳng.
- Giang mai: viền đỏ giới hạn rõ, đào ban, sẩn, hạch.
- Viêm miệng do Aphte: ranh giới rõ, chất tiết màu vàng, xét nghiệm thấy nhiều bạch cầu đa nhân.
- Nứt mép do liên cầu: tường đối sâu, hai bờ không có vảy da màu trắng ẩm, không ngứa nhiều.
- Viêm âm đạo do lậu, Chlamydia, Trichomonas, vi khuẩn.
4. Điều trị bệnh da do nhiễm nấm Candida
Nguyên tắc điều trị bệnh da do nấm Candida là:
- Loại bỏ yếu tố nguy cơ: điều trị các bệnh lý nền, kiểm soát đường huyết, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, tránh mặc quần áo ẩm ướt.
- Sử dụng thuốc kháng nấm:
- Thuốc bôi: imidazole (clotrimazole, ketoconazole, miconazole), nystatin.
- Thuốc uống: fluconazole, itraconazole, posaconazole, voriconazol. Trường hợp nấm kháng thuốc, có thể sử dụng thuốc chống nấm echinocandin (caspofungin, micafungin).
Lựa chọn thuốc và liều lượng phụ thuộc vào vị trí, mức độ nghiêm trọng của bệnh và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
- Viêm âm hộ âm đạo: có thể điều trị bằng thuốc bôi tại chỗ hoặc thuốc uống toàn thân.
- Phụ nữ mang thai: chỉ sử dụng thuốc bôi tại chỗ.
- Viêm miệng: sử dụng nystatin dạng dung dịch xúc miệng. Trường hợp nặng có thể dùng thuốc uống.
- Viêm quanh móng và móng: có thể sử dụng thuốc bôi hoặc thuốc uống toàn thân.
- Nhiễm Candida lan tỏa: thường sử dụng echinocandin hoặc fluconazole đường tiêm tĩnh mạch.
5. Phòng ngừa bệnh da do Candida
Một số biện pháp phòng ngừa bệnh da do nấm Candida bao gồm:
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đặc biệt là vùng da ẩm ướt.
- Tránh mặc quần áo ẩm ướt, bó sát.
- Kiểm soát tốt đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường.
- Hạn chế sử dụng kháng sinh kéo dài.
- Điều trị dứt điểm các bệnh lý viêm da, niêm mạc.
- Nâng cao sức đề kháng bằng chế độ ăn uống hợp lý, tập thể dục thường xuyên.