Bệnh ghẻ: Những điều cần biết

Ghẻ là bệnh da nhiễm ký sinh trùng, do ghẻ cái gây ra. Cái ghẻ đào hang ở lớp thượng bì của da và đẻ trứng, bệnh nhân có triệu chứng ngứa dữ dội vào ban đêm. Bệnh rất dễ lây, gặp ở mọi lứa tuổi.

Bệnh ghẻ: Những điều cần biết
Bệnh ghẻ

Dịch tễ học bệnh ghẻ

  • Ghẻ có tên khoa học là Sarcoptes scabiei hominis, là bệnh da nhiễm ký sinh trùng.
  • Ở nhiều nước kém phát triển, tại một số khu vực của miền Trung và Nam Mỹ, tỷ lệ mắc là 100%.
  • Ở Việt Nam, đây là bệnh da khá phổ biến, thường xuất hiện ở những vùng dân cư đông đúc, nhà ở chật hẹp, thiếu vệ sinh, thiếu nước sinh hoạt.
  • Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến hơn ở trẻ em, người già và bệnh nhân nằm lâu.

Nguyên nhân gây bệnh ghẻ

  • Nguyên nhân gây bệnh là cái ghẻ, ký sinh bắt buộc ở lớp thượng bì của người, có đặc điểm:
    • Hình bầu dục, kích thước khoảng 0,3 mm.
    • Có 4 đôi chân, 2 đôi phía trước có ống giác, 2 đôi chân sau có lông tơ.
    • Đầu có vòi để hút thức ăn và đào hầm ở thượng bì.
    • Chu kỳ sống của cái ghẻ từ 4-6 tuần.
    • Ghẻ cái đào luống ở lớp sừng, đẻ khoảng 3 trứng/ngày.
    • Sau khoảng 3-7 ngày trứng nở thành ấu trùng, lột xác nhiều lần, di chuyển lên bề mặt da và phát triển thành ghẻ trưởng thành.
Hình ảnh cái ghẻ
  • Ghẻ đực giao cấu với ghẻ cái rồi chết, ghẻ cái tiếp tục đào hang trong lớp sừng tạo thành luống ghẻ.
  • Số lượng cái ghẻ trung bình trên mỗi người bệnh thường dưới 20 con, nhưng với ghẻ vảy có thể lên tới hàng triệu con.

Đường lây truyền bệnh ghẻ

Bệnh ghẻ lây truyền qua hai con đường chính:

  • Tiếp xúc trực tiếp với da người bệnh:
    • Trẻ em chơi đùa cùng nhau.
    • Nhân viên y tế, người nhà chăm sóc bệnh nhân.
    • Qua quan hệ tình dục.
  • Tiếp xúc với vật dụng mang ký sinh trùng: quần áo, giường, chiếu, chăn, ga...

Triệu chứng lâm sàng bệnh ghẻ

THỜI GIAN Ủ BỆNH
  • Khoảng 3 tuần nếu nhiễm lần đầu.
  • 1-3 ngày nếu tái nhiễm.
TRIỆU CHỨNG CƠ NĂNG
  • Ngứa dữ dội, lan tỏa, đặc biệt là về đêm, ảnh hưởng đến giấc ngủ.
  • Nhiều người trong gia đình cùng ngứa tương tự.
  • Lưu ý, một nửa số bệnh nhân ghẻ vảy không bị ngứa.
TRIỆU CHỨNG THỰC THỂ
  • Mụn nước:
      • Rải rác, riêng rẽ từng cái trên nền da lành.
      • Vị trí: kẽ ngón tay, đường chỉ tay, lằn cổ tay, nếp vú, bụng, rốn, sinh dục, lòng bàn chân trẻ sơ sinh.
      • Ở vùng sinh dục có thể xuất hiện săng ghẻ, dễ nhầm lẫn với săng giang mai.
Hình ảnh mụn nước hoá mủ ở trẻ nhỏhải
  • Sẩn ghẻ: do phản ứng quá mẫn với kháng nguyên của ký sinh trùng ghẻ
      • Sẩn huyết thanh, sẩn cục.
      • Kích thước 0,3 - 2cm.
      • Màu đỏ, hồng, nâu hoặc nâu đen do tăng sắc tố sau viêm.
      • Vị trí: dương vật, bìu hoặc bụng, nách ở trẻ em.
  • Luống ghẻ: hình thành do sự di chuyển của cái ghẻ trong lớp sừng
      • Hình dạng sợi chỉ, mảnh, thẳng hoặc lượn sóng, dài 5-10 mm.
      • Có mụn nước hoặc sẩn nhỏ ở cuối đường hầm.
      • Màu da hoặc màu xám.
      • Vị trí: kẽ ngón tay, đường chỉ tay, nếp gấp cổ tay, dương vật.
Hình ảnh luống ghẻ
  • Tổn thương khác:
      • Vết trợt ở quy đầu (săng ghẻ), dễ nhầm với săng giang mai.
      • Vết xước, vảy da, đỏ da, dát thâm.
      • Chàm hóa, bội nhiễm.
  • Ghẻ vảy:
        • Xảy ra ở người suy giảm miễn dịch hoặc có bệnh lý nặng kèm theo.
        • Cơ năng: ngứa ít hoặc không ngứa.
        • Các mảng da đỏ, ranh giới không rõ, lan tỏa, trên bề mặt có nhiều vảy da, vảy tiết màu xám hoặc trắng dày đặc, rất nhiều cái ghẻ.
        • Vị trí: lan tỏa gần như toàn thân, tập trung nhiều ở nếp kẽ, bàn tay, chân, mông, khuỷu, đầu gối, có thể có ở đầu, cổ, vùng tai.

Các xét nghiệm tìm ghẻ

  • Soi tìm ký sinh trùng ghẻ: thấy cái ghẻ, trứng hoặc phân ghẻ.
  • Dermoscopy: thấy hình ảnh đường hầm, hình ảnh đầu cái ghẻ hình tam giác.

Chẩn đoán bệnh ghẻ

CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH

Dựa vào triệu chứng lâm sàng, dịch tễ và cận lâm sàng.

  • Lâm sàng: Hình ảnh mụn nước đặc trưng, sẩn ghẻ, luống ghẻ, có ngứa nhiều, đặc biệt về đêm.
  • Dịch tễ: người sống chung cùng bị.
  • Cận lâm sàng: soi kính hiển vi thấy cái ghẻ, chụp Dermoscopy thấy hình ảnh đặc trưng của ghẻ.
CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT

Cần phân biệt với các bệnh sau:

  • Sẩn ngứa.
  • Tổ đỉa.
  • Săng giang mai.
  • Vẩy nến.
  • Viêm da tiết bã.
  • Sẩn mày đay do ký sinh trùng ở súc vật, côn trùng.
  • Các bệnh viêm da mủ: chốc, chốc loét, bệnh nhọt.
  • Viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc.
  • Viêm da dạng chàm, chứng đỏ da có vảy, viêm mô bào tế bào Langerhans.

Điều trị bệnh ghẻ

NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ
  • Chẩn đoán sớm và điều trị tránh lây lan.
  • Điều trị cả gia đình, người tiếp xúc với người bệnh, bạn tình.
  • Vệ sinh nơi ở, đồ dùng cá nhân: Giặt, phơi, nấu, là quần áo (là mặt trái), chăn đệm, màn, đồ dùng.
  • Bôi thuốc đúng cách: có hiệu quả hơn sau khi làm sạch da, ví dụ: sau khi tắm rửa bôi vào tất cả các vị trí của da trừ mặt, đặc biệt là ở bẹn, xung quanh móng tay, sau tai, bao gồm cả mặt và da đầu
THUỐC ĐIỀU TRỊ
  • Điều trị tại chỗ:
    • Permethrin 5%: là thuốc được khuyến cáo hàng đầu, thuốc diệt trứng, ấu trùng và cái ghẻ. An toàn cho trẻ em và phụ nữ có thai và cho con bú.
    • Lindane 1%: Không khuyến cáo cho trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú.
    • Crotamiton 10%: Có hiệu quả chống ngứa.
    • Sulfur 5-10%: An toàn cho trẻ em dưới 2 tháng tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú, tuy nhiên hiệu quả chưa cao.
    • DEP (Diethyl - phtalat): Dễ gây kích ứng ở trẻ nhỏ.
    • Benzyl benzoat 10%: Không khuyến cáo cho trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Điều trị toàn thân:
    • Kháng histamin toàn thân.
    • Kháng sinh toàn thân: khi có bội nhiễm.
    • Ivermectin: Chống chỉ định: trẻ em dưới 5 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Điều trị ghẻ vảy:
    • Loại bỏ lớp vảy dày là rất cần thiết.
    • Kết hợp điều trị tại chỗ và toàn thân.
    • Có thể sử dụng mỡ Salicylic để bong sừng trước khi bôi thuốc ghẻ.
    • Uống Ivermectin.

Phòng bệnh ghẻ

  • Vệ sinh cá nhân hàng ngày sạch sẽ.
  • Vệ sinh đồ dùng: chăn màn, giường chiếu, quần áo.
  • Điều trị sớm, tránh lây nhiễm cho người xung quanh.
  • Kiểm soát lây nhiễm, khử trùng môi trường với các trường hợp ghẻ vảy.