Bệnh giang mai: Những điều cần biết

Bệnh giang mai nếu không được điều trị có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí cả đời, với các giai đoạn bùng phát triệu chứng xen kẽ với thời kỳ im lặng không triệu chứng, khiến người bệnh lầm tưởng đã khỏi bệnh và có thể vô tình lây truyền cho người khác, bao gồm cả con cái.

Bệnh giang mai: Những điều cần biết
Xoắn khuẩn giang mai

1.Tổng quan về bệnh Giang mai

Giang mai là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD) do xoắn khuẩn giang mai Treponema pallidum gây ra, có thể lây truyền qua:

  • Quan hệ tình dục không an toàn.
  • Đường máu (tiêm chích, truyền máu).
  • Mẹ truyền sang con trong thời kỳ mang thai (80%) và chuyển dạ/đẻ.

Tác nhân gây bệnh: Xoắn khuẩn Treponema pallidum có hình lò xo, gồm 6-14 vòng xoắn, đường kính 0.5µ, dài 6-15µ. Sức đề kháng của xoắn khuẩn giang mai yếu:

  • Ra khỏi cơ thể sống không quá vài giờ.
  • Chết nhanh ở nơi khô; nơi ẩm ướt có thể sống được hai ngày.
  • Bị tiêu diệt bởi chất sát khuẩn và xà phòng trong vài phút.

2.Triệu chứng lâm sàng

2.1.Giang mai mắc phải

GIANG MAI SỚM (≤ 2 năm)

Gồm giang mai thời kỳ I, II và kín sớm trong 2 năm đầu. Bệnh dễ lây lan trong giai đoạn này.

Giang mai thời kỳ I:

      • Đặc trưng bởi vết trợt (Săng): vết trợt nông, hình tròn hay bầu dục, không gờ nổi cao, màu đỏ thịt tươi, nền cứng (săng cứng).
      • Vị trí săng: Thường gặp ở niêm mạc sinh dục (môi lớn, môi bé, mép âm hộ ở nữ; qui đầu, miệng sáo, bìu, dương vật ở nam). Ngoài ra, săng có thể gặp ở miệng, môi, lưỡi,...
      • Hạch: xuất hiện ở 1 bên sau khi có săng, sưng to, thành chùm (hạch chúa), không đau, không hóa mủ, rắn, di động dễ.
      • Thời kỳ ủ bệnh: 10-90 ngày.
      • Săng tự khỏi sau 3-10 tuần không để lại sẹo.
Săng giang mai

Giang mai thời kỳ II:

      • Là thời kỳ nhiễm trùng máu, xoắn khuẩn xâm nhập vào các cơ quan phủ tạng.
      • Triệu chứng đa dạng:
        • Đào ban: dát đỏ hồng rải rác ở thân mình, mạng sườn, lòng bàn tay, bàn chân.
        • Sẩn giang mai: sẩn đỏ hồng, thâm nhiễm, có thể có viền vảy xung quanh. Sẩn giang mai dạng vảy nến, dạng trứng cá, sẩn hoại tử.
        • Sẩn phì đại, mảng niêm mạc: hay gặp ở hậu môn, sinh dục.
        • Viêm hạch lan tỏa.
        • Rụng tóc mảng kiểu "rừng thưa", sốt, đau đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn.
      • Bắt đầu khoảng 6-8 tuần sau khi có săng.
    • Giang mai kín sớm: Không có triệu chứng lâm sàng, thời gian mắc bệnh ≤ 2 năm.
Đào ban giang mai
GIANG MAI MUỘN (> 2 năm)

Xuất hiện từ năm thứ 3 trở đi, ít lây lan hơn so với giang mai sớm.

  • Giang mai kín muộn: Không có triệu chứng lâm sàng, thời gian mắc bệnh > 2 năm.
  • Giang mai thời kỳ III: Tổn thương ăn sâu vào da, niêm mạc, tim mạch, thần kinh, cơ xương khớp, gây di chứng không hồi phục hoặc tử vong.
      • Gôm giang mai: cục cứng -> mềm -> vỡ -> loét -> sẹo. Gôm giang mai có thể ở da, cơ, xương.
      • Thương tổn tim mạch: phình động mạch (giang mai tim mạch).
      • Thương tổn thần kinh: viêm màng não cấp, viêm mạch màng não, gôm ở não, tuỷ sống, gây bại liệt, động kinh, rối loạn tâm thần, sa sút trí tuệ, đột quỵ (giang mai thần kinh).
      • Bắt đầu từ năm thứ 3, hoặc xuất hiện sau nhiều năm.

2.2.Giang mai bẩm sinh

Lây từ mẹ sang con, thường sau tháng thứ 3 thai kỳ.

  • Giang mai bẩm sinh sớm: xuất hiện trong 2 năm đầu sau sinh, thường 3 tháng đầu.
    • Trẻ gầy gò, da nhăn nheo, bụng to, tuần hoàn bàng hệ, gan lách to, có thể sụt cân nhanh, tử vong.
    • Thương tổn giống giang mai II mắc phải: bọng nước lòng bàn tay, bàn chân, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn, đau các đầu chi (giả liệt Parrot).
Giang mai bẩm sinh sớm
  • Giang mai bẩm sinh muộn: > 2 năm, thường xuất hiện sau 3-4 năm hoặc khi trưởng thành.
    • Triệu chứng giống giang mai III mắc phải: viêm giác mạc, sợ ánh sáng, lác, điếc, thủng vòm miệng, mũi tẹt, trán dô.
    • Tam chứng Hutchinson (răng Hutchinson, điếc, lác).

3.Chẩn đoán

  • Xét nghiệm trực tiếp: Tìm xoắn khuẩn tại thương tổn.
  • Xét nghiệm gián tiếp:
    • Xét nghiệm không đặc hiệu: RPR, VDRL,... Phát hiện kháng thể anticardiolipin; không đặc hiệu với giang mai.
    • Xét nghiệm đặc hiệu: TPHA, TPPA, FTA-abs, test nhanh giang mai; đặc hiệu với T. pallidum,... Sử dụng kháng nguyên là xoắn khuẩn giang mai để phát hiện kháng thể đặc hiệu.
  • Test nhanh giang mai: Phản ứng miễn dịch sắc kí, phát hiện khả năng nhiễm giang mai trong 3 tháng trước đó.

4.Điều trị

Penicillin là thuốc ưu tiên điều trị giang mai. Hiện tại chưa ghi nhận hiện tượng kháng penicillin.

Lưu ý: Erythromycin và azithromycin không qua nhau thai nên trẻ sinh ra từ mẹ được điều trị bằng các thuốc này cần được điều trị ngay. Doxycycline chống chỉ định cho phụ nữ mang thai.

Dự phòng lây truyền giang mai từ mẹ sang con:

    • Xét nghiệm giang mai cho tất cả phụ nữ mang thai để phát hiện kịp thời và điều trị cho người mẹ và ngăn ngừa lây truyền cho con.
    • Nếu phụ nữ mang thai được phát hiện giang mai sớm trong 3 tháng đầu thai nghén và được điều trị → có thể ngăn ngừa lây truyền cho con.
    • Trẻ sinh ra từ mẹ mắc giang mai có thể điều trị khỏi nếu mẹ được xét nghiệm sàng lọc giang mai.

5.Kết luận

Bệnh giang mai là một bệnh nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. Việc hiểu rõ về bệnh, các triệu chứng, cách phòng tránh và điều trị là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.