Bệnh lậu: Những điều cần biết

Bệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (LTQĐTD) khá phổ biến, do song cầu Gram (-) Neisseria gonorrhoeae gây ra.

Bệnh lậu: Những điều cần biết

Bệnh lậu có xu hướng ngày càng tăng và thường gặp ở người trẻ tuổi. Lậu gây nhiễm trùng cơ quan sinh sản và có thể dẫn đến vô sinh ở cả nam và nữ. Ngoài ra, bệnh còn gây nhiễm trùng ở các vị trí khác như kết mạc, hầu họng, hậu môn, và trực tràng.

1.Dịch tễ

  • Theo WHO năm 2020, trên toàn thế giới có khoảng 82,4 triệu ca mắc mới, trong đó khu vực Tây Thái Bình Dương chiếm 23,2 triệu ca.
  • Bệnh chủ yếu gặp ở độ tuổi 15-35.
  • Nam giới có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
  • Tỷ lệ đồng nhiễm Chlamydia trachomatis là 10-40%.

2.Căn nguyên và đường lây truyền

  • Vi khuẩn lậu (Neisseria gonorrhoeae) là một song cầu khuẩn Gram âm, có hình dạng hạt cà phê.
  • Bệnh lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục (QHTD), bao gồm tiếp xúc niêm mạc âm đạo, hậu môn và miệng khi QHTD.
  • Nguy cơ lây truyền từ nữ sang nam khi quan hệ qua đường âm đạo là 20% mỗi lần quan hệ, trong khi nguy cơ từ nam sang nữ là 50-70% mỗi lần quan hệ.
  • Bệnh cũng có thể lây truyền qua quá trình chuyển dạ từ mẹ sang con, gây viêm kết mạc ở trẻ sơ sinh.
  • Ngoài ra, bệnh có thể lây qua tiếp xúc trực tiếp với vùng da hoặc vật dụng nhiễm khuẩn, hoặc tự lây nhiễm khi chạm vào vị trí nhiễm khuẩn rồi tiếp xúc với vùng da, niêm mạc khác.
Đường lây truyền của lậu

3.Triệu chứng lâm sàng

  • Thời gian ủ bệnh thường là 2-7 ngày sau khi QHTD không an toàn với người bệnh.

Biểu hiện lâm sàng ở nam giới:

  • Lậu cấp tính: Khó chịu dọc niệu đạo, tiểu rắt, tự chảy mủ hoặc tiểu ra mủ, tiểu buốt, miệng sáo và quy đầu viêm đỏ, có thể kèm sốt và mệt mỏi.
  • Lậu mạn tính: "Giọt mủ ban mai", tiểu buốt không rõ ràng, nóng rát, dấm dứt, dái dắt. Biến chứng có thể gặp là viêm mào tinh hoàn, tinh hoàn, tuyến tiền liệt, túi tinh.
Triệu chứng bệnh lậu ở nam giới thường rầm rộ hơn

Biểu hiện lâm sàng ở nữ giới:

  • Lậu cấp tính: Triệu chứng thường âm thầm, không rõ ràng, có mủ ở âm hộ và lỗ niệu đạo, lỗ niệu đạo, tuyến Skene và Bartholin viêm đỏ.
  • Lậu mạn tính: Triệu chứng nghèo nàn, khí hư giống viêm nhiễm sinh dục thông thường. Biến chứng có thể là viêm niêm mạc tử cung, áp xe phần phụ, viêm tắc vòi trứng, viêm vùng hố chậu, gây vô sinh hoặc chửa ngoài tử cung.

Các biểu hiện lâm sàng khác:

  • Lậu hầu họng: Đau họng, ngứa họng, họng đỏ, có mủ, viêm họng cấp hoặc mạn tính, có thể kèm giả mạc.
  • Lậu hậu môn-trực tràng: Mót rặn, buồn đại tiện liên tục, có phân hoặc chỉ ra chất nhầy.
  • Lậu mắt ở trẻ sơ sinh: Xuất hiện sau đẻ 1-3 ngày, mắt sưng nề không mở được, có nhiều mủ chảy ra từ mắt, kết mạc và giác mạc viêm đỏ, có thể loét.
  • Lậu mắt ở người lớn: Viêm kết mạc, giác mạc có mủ, mắt sưng nề, thường do dùng chung khăn, chậu rửa mặt với người bệnh hoặc do tự lây khi dụi mắt sau khi đi tiểu.

4.Biến chứng

  • Viêm vùng chậu (PID).
  • Viêm quanh gan cấp tính (Hội chứng Fitz - Hugh - Curtis).
  • Nhiễm trùng huyết do lậu
  • Nhiễm lậu lan tỏa
  • Các biến chứng khác ở nam giới: viêm mào tinh hoàn, viêm túi tinh, viêm tuyến tiền liệt, chít hẹp niệu đạo và áp xe quanh niệu đạo.
  • Các biến chứng khác ở nữ giới: viêm vòi trứng, viêm tiểu khung, áp xe tuyến Bartholin.

5.Cận lâm sàng

  • Nhuộm Gram: Thấy song cầu Gram âm hình hạt cà phê nằm trong và ngoài bạch cầu đa nhân trung tính.
  • Nuôi cấy: Môi trường Thayer-Martin chứa vancomycin là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh. Vi khuẩn lậu khó nuôi cấy, đòi hỏi kỹ thuật tốt và đúng quy trình.
  • NAATs (PCR): Độ đặc hiệu và độ nhạy cao (trên 90%), cao hơn so với nuôi cấy. Có thể sử dụng nhiều loại bệnh phẩm như nước tiểu, dịch âm hộ, cổ tử cung và dịch niệu đạo. Xét nghiệm Real-time PCR đa mồi thường được sử dụng để chẩn đoán đồng thời lậu và Chlamydia trachomatis.

6.Chẩn đoán phân biệt

  • Lậu sinh dục: Nhiễm Chlamydia trachomatis, trùng roi âm đạo (Trichomonas vaginalis), nấm Candida âm hộ - âm đạo, viêm niệu đạo-sinh dục do Ureaplasma, Mycoplasma, viêm niệu đạo, âm đạo do các căn nguyên khác.
  • Lậu hậu môn trực tràng: Chlamydia trachomatis, Herpes simplex, nấm và các viêm trực tràng hậu môn không do nhiễm trùng.
  • Lậu hầu họng: Liên cầu nhóm A, Mycoplasma, Chlamydia trachomatis, viêm họng do vi rút.
  • Viêm kết mạc mắt do lậu ở trẻ sơ sinh: Viêm kết mạc sơ sinh do tụ cầu, phế cầu, Haemophilus influenzae.

7.Nguyên tắc điều trị

  • Điều trị sớm và đúng phác đồ.
  • Điều trị đồng nhiễm Chlamydia trachomatis.
  • Điều trị cho cả bạn tình.
  • Không QHTD, không làm thủ thuật tiết niệu trong thời gian điều trị và cho đến sau khi kết thúc điều trị 7 ngày.
  • Xét nghiệm huyết thanh giang mai và HIV trước và sau khi điều trị.
  • Chủ yếu điều trị ngoại trú, chỉ điều trị nội trú trong trường hợp có biến chứng.

8.Quản lý và phòng bệnh

  • Tái khám và xét nghiệm lại sau điều trị khoảng 10 ngày, muộn nhất là 3 tháng để đánh giá hiệu quả điều trị. Nếu lâm sàng không giảm/tái phát cần xét nghiệm các STD khác và kháng sinh đồ để đánh giá kháng kháng sinh.
  • Phòng bệnh lậu:
    • Tư vấn sử dụng bao cao su khi QHTD để phòng STD hiệu quả.
    • Khi đã nhiễm lậu, bệnh nhân cần điều trị ngay và kiêng QHTD ít nhất 7 ngày sau điều trị.
    • Tất cả bạn tình của bệnh nhân cần làm xét nghiệm chẩn đoán và điều trị STD.
    • Cung cấp kiến thức tình dục an toàn, đặc biệt đối với nhóm nguy cơ cao.
  • Sàng lọc: Khuyến cáo sàng lọc bệnh lậu cho nhóm nguy cơ cao mắc STD. Chưa có bằng chứng rõ ràng về hiệu quả của sàng lọc bệnh lậu đối với các nhóm khác.
  • Tập huấn chuyên môn cho bác sĩ đa khoa, da liễu, sản phụ khoa để hạn chế lậu biến chứng.