Bệnh Zona: Những điều cần biết

Bệnh zona là bệnh do virus Varicella-Zoster (VZV) gây ra, loại virus này cũng gây bệnh thủy đậu. Sau khi bị thủy đậu, virus VZV không bị tiêu diệt mà nằm im trong các hạch thần kinh cảm giác. Khi hệ miễn dịch suy yếu, virus có thể tái hoạt động và gây ra bệnh zona.

Bệnh Zona: Những điều cần biết
Bệnh zona

Nguyên nhân bệnh zona

  • Bệnh zona do virus Varicella-Zoster (VZV) gây ra. Virus này có kích thước khoảng 150-200nm, có vỏ lipid bao quanh nhân nucleocapsid, chuỗi kép ADN.
  • VZV có thể lây truyền qua nước bọt hoặc lây trực tiếp ở các thương tổn da.

Cơ chế gây bệnh zona

  • Khi nhiễm VZV lần đầu, người bệnh sẽ bị thủy đậu.
  • Sau khi khỏi bệnh thủy đậu, virus không bị tiêu diệt mà nằm im (ngủ đông) ở hạch thần kinh cảm giác.
  • Khi hệ miễn dịch suy yếu do tuổi tác, bệnh tật, stress, hoặc các yếu tố khác như chấn thương, u ác tính, tia cực tím, tia xạ, sử dụng thuốc ức chế miễn dịch, corticoid, ... virus sẽ tái hoạt động và gây bệnh zona.
Cơ chế gây bệnh zona

Đối tượng nguy cơ mắc bệnh zona

  • Tỷ lệ mắc zona khoảng 10-20% ở người có đề kháng bình thường.
  • Trên người suy giảm miễn dịch, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn.
  • Bệnh ít gặp ở trẻ em, tỷ lệ mắc bệnh tăng theo tuổi, đa số bệnh nhân trên 50 tuổi.
  • Người bị suy giảm miễn dịch, người nhiễm HIV/AIDS, ghép tạng có tỷ lệ mắc bệnh cao hơn và bệnh nặng hơn, có thể gây tử vong.

Biểu hiện lâm sàng bệnh zona

Bệnh zona được chia làm ba giai đoạn:

GIAI ĐOẠN TIỀN TRIỆU:
  • Bệnh nhân đau (đau như bị dao đâm, đau nhói, đau giật, đau xuyên sâu vào trong, đau nhức), đau nhạy cảm, dị cảm ở vùng da trước khi xuất hiện thương tổn.
  • Triệu chứng toàn thân giống như cúm: sốt, nhức đầu, mệt mỏi, và đau ở vùng da sắp xuất hiện thương tổn.
  • Đau thường xuất hiện trước khi mọc tổn thương 2-3 ngày.
  • Có trường hợp bệnh nhân bị đau bụng, đau ngực trước khi nổi mụn nước vài giờ hoặc vài ngày và có thể bị chẩn đoán nhầm đau bụng ngoại khoa hay đau tim.
GIAI ĐOẠN HOẠT ĐỘNG:
  • Thương tổn ban đầu là sẩn rồi nhanh chóng thành mụn nước hay bọng nước, sau 4-5 ngày thành mụn mủ và sau khoảng 7-10 ngày đóng vảy tiết.
  • Các thương tổn mới tiếp tục xuất hiện trong khoảng 1 tuần nữa.
  • Từ lúc xuất hiện thương tổn đến lúc khỏi khoảng 3-4 tuần.
  • Thương tổn trên nền da đỏ, phù nề, giữa là mụn nước, đôi khi xuất huyết.
  • Các mụn nước-bọng nước hình tròn hay bầu dục, có thể lõm giữa như bánh dầy.
  • Mụn nước dập vỡ để lại vết trợt đông vẩy tiết, đôi khi có thể hoại tử.
  • Sau khi khỏi thường để lại sẹo lõm, lành sẹo sau khoảng 2-4 tuần.
  • Thương tổn thường ở một bên cơ thể, ít khi bị thương tổn cách xa nhau.
  • Vị trí: vùng ngực, đầu mặt cổ và vùng mông đùi. Cũng có thể tổn thương khu trú vùng niêm mạc miệng, sinh dục, bàng quang.
Những biểu hiện trên da của bệnh zona
GIAI ĐOẠN MẠN TÍNH HAY ĐAU SAU ZONA
  • Bệnh nhân sau khi khỏi các thương tổn da, có thể còn bị đau trong một thời gian hàng tuần, hàng tháng, thậm chí hàng năm.
  • Cảm giác có thể là bỏng rát, đau dấm dứt, đau nhói vùng da tổn thương.
  • Đau sau zona được cho là sau hơn 1 tháng kể từ khi bị bệnh, một số tác giả cho là sau 3 tháng.
  • Ở trẻ em ít gặp đau sau zona, tỷ lệ đau cao hơn ở những người trên 40 tuổi (khoảng 30%), đặc biệt zona vùng mặt.

Biến chứng bệnh zona

  1. Đau sau zona
  • Đây là biến chứng phổ biến nhất của bệnh zona. Cơn đau có thể dữ dội và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
  1. Nhiễm trùng:
  • Các vết loét do zona có thể bị nhiễm trùng bởi vi khuẩn.
  1. Zona mắt
  • Zona ảnh hưởng đến dây thần kinh tam thoa có thể gây tổn thương mắt, bao gồm viêm giác mạc, viêm màng bồ đào và thậm chí mù lòa.
  1. Liệt mặt:
  • Zona tai có thể gây liệt mặt ở 20% số bệnh nhân không điều trị.
  1. Các biến chứng khác
  • Hội chứng Ramsay Hunt, viêm màng não, viêm não - màng não, hoại tử võng mạc, hội chứng Guillain-Barré và viêm tủy sống cắt ngang.

Xét nghiệm bệnh zona

  • Phản ứng miễn dịch huỳnh quang trực tiếp (DFA)
  • Nuôi cấy VZV
  • Chẩn đoán tế bào theo phương pháp Tzanck
  • Xét nghiệm huyết thanh tìm kháng thể kháng VZV
  • PCR với VZV
  • Bệnh phẩm lấy ở đáy bọng nước

Chẩn đoán bệnh zona

  • Chẩn đoán xác định: Dựa vào lâm sàng khi bệnh trong giai đoạn mọc mụn nước.
  • Chẩn đoán phân biệt:
    • Giai đoạn tiền triệu có thể nhầm với chứng đau nửa đầu, bệnh tim và phổi, bệnh lý ngoại khoa hoặc cột sống.
    • Giai đoạn mọc mụn nước: cần phân biệt với nhiễm HSV dạng zona, viêm da tiếp xúc do cây cỏ, viêm da tiếp xúc do kiến khoang, viêm quầng, chốc dạng bọng nước.

Điều trị bệnh zona

NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ
  • Bệnh zona diễn biến lành tính và tự khỏi, có thể không cần điều trị.
  • Sử dụng thuốc chống virus làm rút ngắn thời gian bị bệnh và làm giảm tỷ lệ đau sau zona.
  • Điều trị càng sớm càng tốt.
CÁC LOẠI THUỐC
  • Thuốc kháng virus: Acyclovir, Valacyclovir và Famciclovir là những thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị zona. Việc điều trị sớm bằng thuốc kháng virus giúp rút ngắn thời gian bệnh, giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và giảm nguy cơ biến chứng.
  • Thuốc giảm đau: Thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen, codeine, gabapentin có thể được sử dụng để kiểm soát cơn đau do zona.
  • Corticoid: Corticoid có thể được sử dụng trong một số trường hợp để giảm viêm và đau. Tuy nhiên, việc sử dụng corticoid cần được cân nhắc kỹ lưỡng do nguy cơ tác dụng phụ.

Phòng ngừa bệnh zona

  • Tiêm phòng vắc xin: Vắc xin thủy đậu (Okavax) có thể giúp ngăn ngừa bệnh zona, vắc xin bệnh zona
  • Globulin miễn dịch đặc hiệu (ZIG): ZIG có thể được sử dụng trong vòng 10 ngày sau khi tiếp xúc với người bệnh thủy đậu để ngăn ngừa hoặc giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Vắc xin phòng bệnh