Cách phòng ngừa viêm da cơ địa cho trẻ

Mặc dù các phương pháp điều trị hiện nay hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh viêm da cơ địa (VDCĐ), tuy nhiên việc phòng ngừa cho trẻ từ sớm vẫn là một mục tiêu quan trọng.

Cách phòng ngừa viêm da cơ địa cho trẻ
Hình 1: Viêm da cơ địa ở trẻ em
THỜI KÌ MANG THAI VÀ CHO CON BÚ

Hiện không có bằng chứng nào cho thấy việc kiêng các loại thực phẩm gây dị ứng trong quá trình mang thai hoặc cho con bú có thể ngăn ngừa bệnh VDCĐ ở trẻ. Nghiên cứu mới đây chỉ ra rằng nồng độ vitamin D 25(OH) thấp của người mẹ khi trước sinh có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh VDCĐ khởi phát sớm.

Đối với trẻ sơ sinh có tiền sử gia đình bị dị ứng, việc cho con bú hoàn toàn trong 3–4 tháng đầu hoặc sử dụng sữa công thức từ sữa thủy phân có thể giảm nguy cơ mắc bệnh VDCĐ so với sữa công thức chứa protein sữa bò nguyên chất. Tuy nhiên, việc cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng so với 3–4 tháng không làm tăng khả năng phòng ngừa VDCĐ.

Hình 2: Bú sữa mẹ làm giảm nguy cơ mắc VDCĐ
PROBIOTICS/PREBIOTICS

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc dùng probiotics (như Lactobacilli) hoặc prebiotics có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn có lợi cho phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh, làm giảm đáng kể nguy cơ mắc VDCĐ ở trẻ từ 1 đến 4 tuổi. Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác lại cho rằng, không thấy sự khác biệt trong kết quả điều trị VDCĐ khi sử dụng probiotics. Do đó, cần có thêm nghiên cứu để xác định loại pro/prebiotic nào và thời điểm sử dụng tối ưu để phòng ngừa VDCĐ.

Hình 3: Men vi sinh Lactobacillus
LIỆU PHÁP DƯỠNG ẨM

Trong trường hợp trẻ em mang đột biến gen FLG, chức năng hàng rào bảo vệ da bị suy giảm, dẫn đến tình trạng mất nước qua lớp biểu bì và gây ra các triệu chứng của VDCĐ trên lâm sàng. Hai thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên trên trẻ sơ sinh có tiền sử gia đình mắc VDCĐ đã chỉ ra rằng, việc sử dụng kem dưỡng ẩm, dầu, nhũ tương hoặc thuốc mỡ hàng ngày trong ba tuần đầu đời có thể giảm 30–50% nguy cơ mắc VDCĐ ở trẻ từ 6 đến 8 tháng tuổi.

Hình 4: Sử dụng kem dưỡng ẩm phòng ngừa VDCĐ