Viêm da cơ địa: Điều trị như thế nào?
Viêm da cơ địa (VDCĐ) là một bệnh da thường gặp, tỷ lệ mắc chiếm 5 – 20% trẻ em và khoảng 10% người lớn trên toàn thế giới.
Viêm da cơ địa (VDCĐ) là bệnh tuy không nguy hiểm nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Triệu chứng ngứa gây rối loạn giấc ngủ, căng thẳng về tâm lý, các tổn thương da ảnh hưởng tới thẩm mỹ, giảm sự tự tin trong công việc và các hoạt động xã hội. Điều trị và quản lý VDCĐ là vô cùng quan trọng và cần thiết để cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
NGUYÊN TẮC CHUNG
Vì đây là bệnh da mạn tính và dễ tái phát, phương pháp chung là quản lý các đợt bùng phát bằng phác đồ điều trị ngắn hạn.
Quản lý VDCĐ bao gồm giáo dục bệnh nhân và cha mẹ, chăm sóc da nhẹ nhàng, sử dụng kem dưỡng ẩm, và áp dụng liệu pháp chống viêm khi có đợt bùng phát. Các biện pháp điều trị tại chỗ đóng vai trò cốt lõi. Đối với các trường hợp nặng, có thể bổ sung liệu pháp quang học và/hoặc thuốc đường toàn thân. Việc xác định và tránh các yếu tố làm trầm trọng bệnh là rất quan trọng để ngăn ngừa tình trạng xấu đi.
CAN THIỆP GIÁO DỤC
Giáo dục bệnh nhân và gia đình đóng vai trò quan trọng trong quản lý VDCĐ. Nghiên cứu chỉ ra rằng nâng cao kiến thức về bệnh sẽ cải thiện sự tuân thủ điều trị, giảm nỗi sợ hãi và tránh những hiểu lầm về bệnh. Cha mẹ thường tìm kiếm nguyên nhân cụ thể gây ra VDCĐ ở con và gặp khó khăn khi chấp nhận rằng chúng ta chỉ có thể "kiểm soát" chứ không thể "chữa khỏi hoàn toàn" bệnh. Can thiệp giáo dục rất cần thiết để giải quyết những lo lắng này, từ đó cải thiện việc chăm sóc và nâng cao chất lượng cuộc sống.
TẮM
Tắm có thể cấp ẩm cho da, loại bỏ vảy, chất gây kích ứng và chất gây dị ứng. Mặc dù còn thiếu các dữ liệu khách quan về phương pháp tắm tối ưu cho bệnh VDCĐ, nhưng nhìn chung, bệnh nhân được khuyến cáo tắm một lần mỗi ngày, trong 5–10 phút, bằng nước ấm (không quá nóng), sử dụng chất tẩy rửa không chứa xà phòng, không mùi và có độ pH từ trung tính đến thấp khi cần. Cần thoa kem dưỡng ẩm ngay sau khi tắm để duy trì độ ẩm cho da. Nếu cần điều trị bằng corticosteroid tại chỗ hoặc thuốc chống viêm khác, thì nên thoa ngay sau khi tắm, trước khi thoa kem dưỡng ẩm.
DƯỠNG ẨM
Sử dụng chất dưỡng ẩm hàng ngày làm giảm tình trạng khô da, ngứa, ban đỏ, nứt nẻ và lichen hoá, từ đó làm giảm lượng thuốc chống viêm cần thiết để kiểm soát bệnh. Dưỡng ẩm chứa các chất làm mềm khác nhau giúp bôi trơn da, gây tắc nghẽn ngăn ngừa sự mất nước của da và chất hút nước làm ẩm da. Các chế phẩm không được chứa thuốc nhuộm, chất tạo mùi, chất gây dị ứng có nguồn gốc từ thực phẩm như protein đậu phộng và các thành phần hay gây nhạy cảm khác.
Khi lựa chọn loại dưỡng ẩm cần dựa vào mức độ khô da, vị trí, mức độ chấp nhận của bệnh nhân và mùa. Dạng mỡ (ví dụ như petrolatum) chứa nồng độ lipid cao, có đặc tính che phủ và thường không có chất bảo quản; mặc dù chúng ít gây đau rát khi thoa lên da bị viêm nhưng lại có độ nhờn cao gây khó chịu cho một số bệnh nhân. Dạng kem có thể là lựa chọn thay thế cho những trường hợp như vậy mặc dù dạng này chứa hàm lượng nước cao hơn và không hoàn toàn lý tưởng cho tình trạng khô da của VDCĐ. Các sản phẩm có nồng độ urê hoặc axit α-/β-hydroxy cao có thể làm giảm tình trạng bong tróc nhưng lại gây đau rát khi sử dụng ở trẻ em hoặc vùng da viêm cấp tính hoặc vị trí trầy xước.
Khuyến cáo nên sử dụng 150–200g kem dưỡng ẩm hàng tuần ở trẻ nhỏ và 250–500g ở trẻ lớn/người lớn, sử dụng thường xuyên, bôi rộng. Các dưỡng ẩm được kê đơn nhằm mục đích cải thiện hàng rào da bị khiếm khuyết của VDCĐ bao gồm các chế phẩm có chứa tỷ lệ lipid cụ thể (ví dụ như cholesterol, axit béo, ceramide), palmitoylethanolamide, axit glycyrrhetinic và các hydrolipid khác.
CORTICOSTEROID TẠI CHỖ
Corticosteroid tại chỗ là liệu pháp dược lý hàng đầu cho VDCĐ, chúng vừa dùng để điều trị các đợt bùng phát cấp tính, vừa là liệu pháp duy trì để ngăn ngừa tái phát. Corticosteroid có tác dụng chống viêm, chống tăng sinh, ức chế miễn dịch và co mạch, có tác dụng lên tế bào T trên da, đại thực bào và tế bào dạng sợi. Hiệu quả tại chỗ của nó đã được chứng minh trong hơn 100 thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên, corticosteroid làm giảm tình trạng viêm cấp và mãn tính, giảm triệu chứng ngứa.
Khi lựa chọn chế phẩm corticosteroid tại chỗ, cần dựa vào vị trí, giai đoạn cấp tính hay mạn tính, độ dày da, mức độ nặng của tổn thương, độ tuổi, nhu cầu của bệnh nhân cũng như chi phí và tính khả dụng của các chế phẩm khác nhau. Corticosteroid phải có hiệu lực phù hợp để nhanh chóng kiểm soát được đợt bùng phát, sau đó tiếp tục liệu pháp hàng ngày cho đến khi tình trạng viêm hết hoàn toàn, từ đó có thể giảm thiểu tái phát. Sử dụng corticosteroid tại chỗ không đủ mạnh trong thời gian dài có thể dẫn đến nguy cơ tác dụng phụ cao hơn cũng như kiểm soát bệnh kém hơn so với việc sử dụng thuốc có tác dụng mạnh hơn trong thời gian ngắn.
Các thử nghiệm có đối chứng ngẫu nhiên ở trẻ em và người lớn mắc VDCĐ đã chứng minh rằng, nguy cơ tái phát có thể giảm đáng kể bằng cách chủ động bôi corticosteroid mức độ trung bình hai lần một tuần vào các vùng thường bị ảnh hưởng sau khi đã hết tổn thương và không có bằng chứng về teo da sau tối đa 40 tuần điều trị.
Đối với vùng mặt và các nếp gấp cơ thể, nếu được nên tránh sử dụng corticosteroid có hiệu lực cao (đặc biệt là sử dụng lâu dài) do nguy cơ teo da và phát ban dạng mụn trứng cá. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn có thể sử dụng một tác nhân mạnh (ví dụ như thuốc mỡ mometasone furoate) để làm sạch các tổn thương dày, phát triển mạnh trên má của trẻ sơ sinh.
Các corticosteroid mạnh thường dùng cho các mảng lichen hóa, các tổn thương giống như đồng xu hoặc ngứa nhiều, vùng lòng bàn tay và lòng bàn chân. Việc sử dụng ngay sau khi tắm giúp cải thiện khả năng thẩm thấu qua da và làm giảm tình trạng châm chích. Dạng dung dịch, bọt và dầu là các lựa chọn cho VDCĐ trên da đầu.
Các đánh giá có hệ thống đã kết luận rằng, corticosteroid tại chỗ an toàn khi sử dụng hàng ngày trong thời gian ngắn (lên đến vài tuần) và sử dụng ngắt quãng trong thời gian dài. Tuy nhiên, tình trạng “sợ steroid” rất phổ biến ở bệnh nhân và cha mẹ có con mắc VDCĐ, và nó thường dẫn đến việc điều trị chậm trễ và không đầy đủ. Điều cần thiết là phải giải quyết những nỗi sợ hãi và sự hiểu lầm này để đảm bảo các bệnh nhân tuân thủ phác đồ điều trị.
Thuốc ức chế calcineurin tại chỗ
Crisaborole
Liệu pháp quấn ướt
Liệu pháp quang học
Liệu pháp chống viêm toàn thân
Dupilumab
Cyclosporine
Azathioprine
Methotrexate
Mycophenolate mofetil
Corticosteroid toàn thân
Liệu pháp bổ sung
Quản lý bệnh dị ứng đồng mắc