Hội chứng bong vảy da do tụ cầu: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Hội chứng bong vảy da do tụ cầu (SSSS) là bệnh nhiễm trùng da cấp tính gây nên do ngoại độc tố của tụ cầu vàng nhóm 2. Đây là một bệnh nặng, hiếm gặp, đặc trưng bởi tình trạng da phồng rộp, đỏ trông giống như vết bỏng hoặc phỏng nước.
Hội chứng bong vảy da do tụ cầu còn được gọi với các tên gọi khác như: Ly thượng bì cấp tính do tụ cầu, hội chứng ly thượng bì cấp tính do tụ cầu, pemphigus trẻ sơ sinh, bệnh Ritter von Ritterschein, bệnh Ritter.
Nguyên nhân Hội chứng bong vảy da do tụ cầu
Hội chứng bong vảy da do tụ cầu do tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) nhóm 2 tiết ra ngoại độc tố (khoảng 5% các chủng), các ngoại độc tố này theo đường máu đến xâm nhập vào da khiến da bị phồng rộp, hình thành nên các bọng nước và cuối cùng là hiện tượng bong tróc da.
Đối tượng nguy cơ mắc Hội chứng bong vảy da do tụ cầu
Tỷ lệ mắc cao nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt từ 2 - 3 tuổi. Nguyên nhân là do chưa trưởng thành về:
- Hệ thống miễn dịch: thiếu kháng thể bảo vệ chống lại ngoại độc tố
- Hệ thống thanh thải của thận: giảm thanh thải độc tố .
Ở người lớn rất hiếm gặp và thường liên quan đến tình trạng suy giảm miễn dịch hoặc suy thận nặng/bệnh thận mạn tính.
Tỷ lệ mắc Hội chứng bong vảy da do tụ cầu dựa trên các nghiên cứu được thực hiện ở Châu Âu ước tính trong khoảng 0,09 - 0,56 trường hợp/1.000.000 người, tỷ lệ nam nữ bằng nhau ở trẻ em.
Các triệu chứng của Hội chứng bong vảy da do tụ cầu
Hội chứng bong vảy da do tụ cầu thường bắt đầu với các triệu chứng không đặc hiệu ở trẻ em; có thể bao gồm cáu kỉnh, lờ đờ và sốt. Trong vòng 24–48 giờ, thương tổn ban đỏ lan rộng, gây đau, sau đó hình thành các bọng nước, dễ vỡ, chứa đầy dịch. Chúng có thể vỡ để lại nền da đỏ ẩm ướt trông giống như vết bỏng.
Những đặc điểm đặc trưng của Hội chứng bong vảy da do tụ cầu:
- Ban đỏ
- Thường bắt đầu ở mặt và nếp gấp (bẹn, nách, cổ), sau đó lan nhanh đến các phần khác của cơ thể bao gồm cánh tay, chân và thân mình.
- Ở trẻ sơ sinh, có thể thấy tổn thương quanh dây rốn.
- Sau khi phát ban, hình thành nên các bọng nước chứa đầy dịch
- Thường xuất hiện ở những vùng ma sát (nách, bẹn và mông), giữa mặt và các hốc tự nhiên trên cơ thể (mũi, tai).
- Chất dịch có thể là đục vô trùng hoặc mủ màu vàng.
- Các bọng nước sau khi trợt vỡ để lại nền da đỏ ẩm ướt, vảy bong ra mỏng, cuộn lại như giấy cuốn thuốc lá và rất đau.
- Khi chà xát nhẹ lên da sẽ làm trợt lớp thượng bì (dấu hiệu Nikolsky dương tính).
Thông thường, Hội chứng bong vảy da do tụ cầu không có tổn thương niêm mạc, điều này giúp phân biệt với Hoại tử thượng bì nhiễm độc (TEN) - niêm mạc thường có những thay đổi.
Biến chứng Hội chứng bong da do tụ cầu
Trẻ em mắc Hội chứng bong vảy da do tụ cầu thường khỏi hoàn toàn trong vòng hai tuần nếu được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Tuy nhiên, nếu không được điều trị hoặc điều trị thất bại, một số biến chứng có thể xảy ra:
- Sẹo
- Mất nước, rối loạn cân bằng điện giải
- Hạ thân nhiệt
- Nhiễm trùng thứ phát như nhiễm trùng huyết , viêm mô tế bào và viêm phổi
- Suy thận.
Tỷ lệ tử vong ở trẻ em rất thấp (1–5%). Tỷ lệ tử vong ở người lớn cao hơn (50–60%), có thể là do có bệnh nặng đi kèm làm tăng nguy cơ biến chứng.
Chẩn đoán Hội chứng bong vảy da do tụ cầu
CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH
Dễ dàng chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng, hoặc một số xét nghiệm có thể gợi ý chẩn đoán:
- Nuôi cấy dịch: mũi, bọng nước, ổ mủ trên da, phân... tìm vi khuẩn S. aureus . Tuy nhiên, xét nghiệm này thường cho kết quả âm tính vì tình trạng này là do độc tố trung gian.
- Nuôi cấy máu khi có nghi ngờ nhiễm trùng huyết.
- Nhuộm tế bào Tzanck
- Sinh thiết da có thể được thực hiện để loại trừ các nguyên nhân khác gây ra bọng nước, quan sát thấy sự tách lớp biểu bì không viêm ở lớp hạt.
CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT
- Hội chứng Steven-Johnson/Hoại tử thượng bì nhiễm độc (SJS/TEN)
- Chốc có bọng nước
- Dị ứng thuốc
- Bệnh do virus
- Bỏng nhiệt
Điều trị Hội chứng bong vảy do tụ cầu
Đây được coi là một trường hợp cấp cứu về da liễu cần phải nhập viện và điều trị kịp thời. Các thuốc điều trị bao gồm:
- Thuốc kháng sinh tiêm tĩnh mạch
- Thuốc đầu tay: kháng sinh chống tụ cầu, kháng penicillinase như flucloxacillin.
- Các lựa chọn khác bao gồm: ceftriaxone, clarithromycin (dành cho người dị ứng với penicillin ), cefazolin, nafcillin hoặc oxacillin.
- Nhiễm trùng kháng methicillin (MRSA) : vancomycin.
Các phương pháp điều trị hỗ trợ bao gồm:
- Giảm đau
- Paracetamol có thể kết hợp với thuốc giảm đau thay thế như ibuprofen hoặc morphine uống nếu cần trong khi chờ da lành lại.
- Kiểm soát lượng nước và chất điện giải đưa vào cơ thể:
- Nên cân nhắc truyền dịch tĩnh mạch cho trẻ nhỏ và những trường hợp bị tổn thương da rộng.
- Chăm sóc da
- Rửa nhẹ nhàng da ít nhất một lần một ngày
- Sử dụng dưỡng ẩm làm mềm như parafin trắng mềm/parafin lỏng theo tỷ lệ 50:50 hoặc dầu khoáng để làm dịu da và phục hồi.
- Một số vùng có thể cần băng vết trợt.
Đa số trẻ em thường hồi phục rất tốt và thường khỏi hoàn toàn trong vòng 5–7 ngày kể từ khi bắt đầu điều trị.
Phòng tránh Hội chứng bong vảy do tụ cầu
Nếu có đợt bùng phát Hội chứng bong vảy da do tụ cầu ở các cơ sở chăm sóc trẻ sơ sinh hoặc nhà mẫu giáo, cần điều tra khả năng có người mang tụ cầu trong vùng lân cận.
- Xác định nhân viên y tế, nhân viên chăm sóc trẻ em, cha mẹ hoặc khách đến thăm bị nhiễm Staphylococcus aureus là chìa khóa để xử lý vấn đề.
- Sau khi xác định được những cá thể này nên được điều trị để tiêu diệt mầm bệnh.
Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn trước khi chế biến thực phẩm và sau khi đi vệ sinh.
Thường xuyên lau dọn nhà bếp và khu vực ăn uống, khi nấu, đảm bảo nhiệt độ cao trên 60 độ C và bảo quản thực phẩm lạnh dưới 4 độ C.
Ngoài ra, ở các khu vực như bệnh viện, các khu cộng đồng. cần giữ sạch sẽ và hạn chế tiếp xúc với các bề mặt nhiều người sử dụng như các tay nắm cửa, các vòi nước, mặt bàn ...
Tại các cơ sở y tế, nếu có thể, bệnh nhân nên được tầm soát tụ cầu vàng và nếu phát hiện thì họ cần được cách ly để tránh lây lan cho mọi người.