Rụng tóc ở phụ nữ
Khoảng một phần ba phụ nữ sẽ gặp tình trạng rụng tóc (alopecia) ít nhất một lần trong đời; đặc biệt là sau mãn kinh, có tới hai phần ba số người tóc bị mỏng đi hoặc hói từng mảng.
Rụng tóc ở phụ nữ có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các vấn đề sức khỏe, sử dụng thuốc, và căng thẳng cả về thể chất lẫn tinh thần. Nguy cơ tăng lên theo độ tuổi và cao hơn ở những người có tiền sử gia đình.
Rụng tóc ở phụ nữ thường gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn so với nam giới do sự kỳ thị của xã hội. Điều này có thể tác động lớn đến tâm lý và chất lượng sống của họ.
TRIỆU CHỨNG
Cũng như nam giới, loại rụng tóc chính ở nữ giới là rụng tóc androgen. Ở nam, rụng tóc thường bắt đầu ở phía trên thái dương, và đường chân tóc lùi dần cuối cùng tạo thành hình chữ "M" đặc trưng; tóc ở đỉnh đầu cũng mỏng dần, thường tiến triển thành hói. Trong khi đó, ở phụ nữ, rụng tóc androgen bắt đầu bằng tình trạng tóc mỏng dần ở đường ngôi, sau đó là tình trạng rụng tóc lan tỏa ngày càng tăng từ đỉnh đầu. Đường chân tóc của phụ nữ hiếm khi lùi lại và phụ nữ hiếm khi bị hói.
CƠ CHẾ BỆNH SINH
Giống như tên gọi, rụng tóc androgen liên quan đến hoạt động của hormone androgen, rất cần thiết cho sự phát triển tình dục bình thường của nam giới và có các chức năng quan trọng khác ở cả hai giới, bao gồm ham muốn tình dục và điều hòa sự phát triển của tóc. Bệnh này có thể được di truyền và liên quan đến một số gen khác nhau. Đôi khi nó cũng có thể là kết quả của một rối loạn nội tiết như sản xuất quá nhiều androgen hoặc khối u tiết androgen ở buồng trứng, tuyến yên hoặc tuyến thượng thận. Trong cả hai trường hợp, rụng tóc có thể liên quan đến hoạt động androgen tăng lên. Tuy nhiên, ở phụ nữ, vai trò của androgen trong rụng tóc không rõ ràng như ở nam giới.
Ở cả hai giới, rụng tóc androgen xảy ra do sự rút ngắn giai đoạn anagen, giai đoạn phát triển của tóc, và sự kéo dài thời gian giữa thời điểm rụng tóc và thời điểm bắt đầu giai đoạn anagen mới. Điều đó có nghĩa là tóc mất nhiều thời gian hơn để bắt đầu mọc lại sau khi rụng trong quá trình phát triển bình thường. Bản thân nang tóc cũng thay đổi, co lại và tạo ra một thân tóc ngắn hơn, mỏng hơn — một quá trình được gọi là "thu nhỏ nang tóc". Kết quả là, những sợi tóc dày hơn, có sắc tố, sống lâu hơn được thay thế bằng những sợi tóc ngắn hơn, mỏng hơn, không có sắc tố được gọi là "tóc tơ".
ĐIỀU TRỊ RỤNG TÓC Ở PHỤ NỮ
- Minoxidil.
- Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bôi minoxidil trực tiếp lên da đầu có tác dụng kích thích mọc của tóc. FDA đã chấp thuận sử dụng minoxidil 2% không cần kê đơn để điều trị rụng tóc ở phụ nữ. Kể từ đó, dung dịch 5% cũng đã có sẵn khi cần một dung dịch mạnh hơn cho tình trạng rụng tóc ở phụ nữ.
- Tác dụng phụ: Minoxidil an toàn, nhưng nó có thể gây cảm giác khó chịu hay kích ứng da do cồn. Đôi khi tóc mới có màu sắc và kết cấu khác với tóc xung quanh. Một nguy cơ khác là chứng rậm lông — mọc quá nhiều lông ở những nơi không mong muốn, chẳng hạn như má hoặc trán. (Vấn đề này có khả năng xảy ra nhiều hơn với dung dịch 5%.)
- Thuốc kháng androgen.
- Androgen bao gồm testosterone và các hormone "nam" khác, có thể đẩy nhanh quá trình rụng tóc ở phụ nữ. Một số phụ nữ không đáp ứng với minoxidil có thể bổ sung thuốc lợi tiểu spironolactone (Aldactone) để điều trị chứng rụng tóc do androgen vì loại thuốc này có đặc tính kháng androgen. Thuốc này đặc biệt có lợi cho những phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) vì những người này thường sản xuất quá nhiều androgen. Bác sĩ thường kê đơn spironolactone cùng với thuốc tránh thai đường uống cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. (Phụ nữ dùng một trong những loại thuốc này không nên mang thai vì chúng có thể gây ra bất thường ở bộ phận sinh dục ở thai nhi nam.)
- Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm chóng mặt, khát nước quá mức, chán ăn, tăng cân, mất ham muốn tình dục và mệt mỏi. Nếu spirolactone không hiệu quả, có thể thay thế bằng một loại thuốc khác có đặc tính kháng androgen như finasteride.
- Thuốc bổ sung sắt.
Thiếu sắt có thể là nguyên nhân gây rụng tóc ở một số phụ nữ, đặc biệt là người ăn chay, người có tiền sử thiếu máu hoặc bị rong kinh. Nếu bạn bị thiếu sắt, bạn sẽ cần dùng thuốc bổ sung và nó có thể ngăn rụng tóc. Tuy nhiên, nếu nồng độ sắt của bạn bình thường, việc bổ sung thêm sắt sẽ chỉ gây ra các tác dụng phụ, chẳng hạn như đau dạ dày và táo bón.
- Cấy ghép tóc
- Cấy ghép tóc là một phương pháp đã được áp dụng ở Hoa Kỳ từ những năm 1950 để điều trị hói đầu androgen, bao gồm việc cắt bỏ một dải da đầu từ phía sau đầu và sử dụng nó để che phủ vùng da đầu hói.
- Ngày nay, 90% các bác sĩ phẫu thuật cấy ghép tóc áp dụng một phương pháp được gọi là cấy ghép đơn vị nang tóc, ra đời vào giữa những năm 1990. Trong kỹ thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ một dải da đầu hẹp và chia nó thành hàng trăm mảnh ghép nhỏ, mỗi mảnh chỉ chứa một vài sợi tóc. Sau đó, từng mảnh ghép sẽ được cấy vào các khe hở trên da đầu, được tạo ra bằng lưỡi dao hoặc kim, ở khu vực bị hói. Tóc sẽ mọc lại một cách tự nhiên, tạo thành các cụm nhỏ từ một đến bốn nang tóc, được gọi là đơn vị nang tóc, khiến cho kết quả cấy ghép trở nên tự nhiên hơn so với phương pháp cấy ghép tóc truyền thống của quá khứ.
- Các phương pháp điều trị khác. Nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả, có thể áp dụng liệu pháp laser hoặc tiêm huyết tương giàu tiểu cầu.