Sẹo lõm: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị
Sẹo lõm là một bệnh da phổ biến, thường gặp nhất sau bệnh trứng cá, thuỷ đậu hoặc chấn thương... Sẹo có thể gây biến dạng rất nhiều, ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng cuộc sống. Mặc dù có nhiều phương pháp điều trị có thể làm mờ sẹo nhưng không có một phương pháp nào có thể làm mất hoàn toàn sẹo lõm.
Quá trình tạo sẹo
Quá trình hình thành sẹo là một quá trình phức tạp, xảy ra từ khi bắt đầu có tác nhân gây bệnh. Gồm ba giai đoạn xen kẽ với nhau:
- Giai đoạn viêm
- Giai đoạn tăng sinh
- Giai đoạn tạo sẹo
Đây là giai đoạn cuối cùng của quá trình liền thương tổn, sẹo trở nên rõ ràng và chắc hơn, sẹo giảm dần màu đỏ và nhạt màu dần. Quá trình này gắn liền với hiện tượng sửa chữa và tổ chức lại các thành phần của sợi collagen được sắp xếp lại. Giai đoạn này kéo dài từ 12-18 tháng.
Triệu chứng lâm sàng
Sẹo phụ thuộc vào tình trạng thiếu hay thừa collagen tại tổn thương, người ta chia ra hai loại sẹo chính: sẹo lõm và sẹo lồi. Trong đó, có đến 80-90% bệnh nhân bị sẹo do trứng cá là sẹo lõm.
Sẹo lõm gồm 3 loại:
- Sẹo hình phễu (icepick scars): đường kính sẹo dưới 2 mm, hình phễu, đáy nằm sâu ở lớp trung bì hoặc mô dưới da.
- Sẹo lòng chảo (rolling scars): đường kính 4-5 mm. Nguyên nhân do các sợi xơ từ lớp trung bì dính với lớp thượng bì gây co kéo tạo nên sẹo có đáy lòng chảo, bề mặt sẹo tương đối bình thường
- Sẹo đáy phẳng (boxcar scars): thường có hình tròn hay hình oval, bờ sẹo thẳng đứng, đường kính sẹo từ 1,5-4 mm. Sẹo đáy phẳng thường gặp trong bệnh thuỷ đậu. Sẹo đáy phẳng phân làm 2 nhóm:
- Sẹo nông: đáy sâu từ 0,5-1 mm.
- Sẹo sâu: đáy sâu ≥ 5 mm.
Trong bệnh trứng cá, sẹo hình phễu chiếm 60-70%, sẹo lòng chảo chiếm 15-25%, sẹo đáy phẳng chiếm 20-30%. Tuy nhiên, chúng ta có thể thấy cả 3 loại sẹo này trên cùng một bệnh nhân trứng cá và cũng rất khó để phân biệt chúng.
Mức độ sẹo
Hệ thống phân loại mức độ sẹo của Goodman:
- Mức độ 0: bác sĩ khó quan sát thấy sẹo ở khoảng cách ≤ 50 cm.
- Mức độ 1: sẹo bằng phẳng với mặt da, có màu da bình thường hoặc có thể tăng/giảm sắc tố so với vùng da lành, bệnh nhân tự nhận thấy vẫn còn sẹo khi tự mình quan sát.
- Mức độ 2: bác sĩ không quan sát thấy sẹo lõm ở khoảng cách ≥ 50 cm và sẹo có thể bị che mờ bởi trang điểm.
- Mức độ 3: bác sĩ quan sát thấy sẹo lõm ở khoảng cách ≥ 50 cm và không dễ dàng bị che mờ bởi trang điểm nhưng vẫn có thể mất khi làm căng da bằng tay.
- Mức độ 4: bác sĩ quan sát thấy sẹo lõm ở khoảng cách ≥ 50 cm, không dễ dàng bị che mờ bởi trang điểm và không thể mất khi làm căng da bằng tay.
Điều trị
Điều trị nguyên nhân gây sẹo là cách tốt nhất để giảm thiểu và ngăn ngừa sẹo. Việc lựa chọn phương pháp điều trị sẹo lõm phụ thuộc rất nhiều vào loại sẹo, mức độ sẹo, sở thích của bệnh nhân, tác dụng phụ và chi phí, lý tưởng nhất là sử dụng nhiều phương pháp kết hợp.
- Điều trị sẹo đỏ
Sẹo đỏ làm cho sẹo nổi bật và gây chú ý hơn nên quá trình điều trị sẹo đỏ có tác dụng tốt cho bệnh nhân ngay cả khi các vết sẹo chưa cải thiện về kết cấu. Các phương pháp điều trị sẹo đỏ có hiệu quả:
- Điều trị thiết bị tần số vô tuyến vi điểm có tác dụng tốt.
- Laser màu xung (Pulsed dye laser PDL): mục tiêu của laser màu xung là nhắm vào oxyhemoglobin trong các mạch máu ở da. Đáp ứng thường đạt được cải thiện rõ rệt sau 6 tuần điều trị. Liệu trình điều trị 3-4 lần/tháng.
- Các laser mạch máu khác như KTP (Potassium titanyl phosphate laser) và các thiết bị xung ánh sáng cường độ cao (Intense pulsed light devices - IPL) cũng có hiệu quả cho sẹo đỏ.
- Điều trị các sẹo hình phễu sâu và sẹo đáy phẳng sâu có nguy cơ không đáp ứng với điều trị tái tạo collagen
- Kỹ thuật xuyên (kỹ thuật tái cấu trúc sẹo bằng hoá chất - CROSS technique): sử dụng TCA (trichloroacetic acid) 100% chấm tại các vết sẹo để phá huỷ xơ và thúc đẩy quá trình liền sẹo lại.
- Cắt bỏ sẹo: cắt bỏ toàn bộ sẹo cả chiều sâu và chiều rộng đến lớp mỡ. Các sẹo lớn do chấn thương thường cần phải dùng phương pháp cắt bỏ sẹo để giải quyết.
- Cắt và nâng cao bề mặt sẹo
- Cắt mô sợi co kéo
- Điều trị tái tạo collagen
- Laser bào mòn truyền thống
- Cân nhắc điều trị dự phòng kháng virus và kháng sinh
- Laser vi điểm không bào mòn: thường được sử dụng xen kẽ với laser bào mòn vì phương pháp này đòi hỏi thời gian hồi phục ít hơn (chỉ từ 1-3 ngày) nhưng hiệu quả hạn chế hơn laser bào mòn truyền thống.
- Laser vi điểm bào mòn: không được khuyến khích sử dụng vì hiệu quả không cao hơn so với laser vi điểm không bào mòn mà tác dụng phụ lại nhiều hơn.
- Lột mặt bằng hoả chất: cũng là phương pháp kích thích tái tạo collagen có hiệu quả cho sẹo lõm đặc biệt sẹo do mụn trứng cá.
- Mài da: là phương pháp điều trị sẹo do mụn trứng cá phổ biến nhất trước đây nhưng gần đây đã giảm đi nhiều vì có sự ra đời của các phương pháp mới như các phương pháp tái tạo bề mặt bằng ánh sáng.
- Lăn kim: liệu pháp lăn kim hay còn gọi là liệu pháp tăng sinh collagen. Lăn kim là phương pháp mới và hiệu quả để điều trị sẹo lõm do trứng cá, được sử dụng thay thế các phương pháp trước đây như laser, lột da bằng hoá chất, bào da,...
- Các thiết bị tần số vô tuyến lưỡng cực vì điểm (RF fractional bipolar): tạo một ma trận các tổn thương nhiệt trong vùng thượng bì và trung bì, giúp kích thích tái tạo collagen và có tác dụng cải thiện sẹo do mụn trứng cá.
- Điều trị bổ sung
Quá trình tái tạo collagen là một quá trình rất chậm nên cần đánh giá để xác định các điều trị bổ sung sau khoảng 6 tháng.
- Tiêm chất độn mô mềm: các vết sẹo đáy lòng chảo có thể biến mất ngay sau khi tiêm chất độn mô mềm vì tác dụng làm căng da xung quanh. Sẹo teo da, sẹo hình phễu, sẹo phì đại không đáp ứng nhiều với phương pháp tiêm chất độn mô mềm. Hiện nay, có rất nhiều chất độn mô mềm tạm thời và vĩnh viễn cho các bác sĩ lựa chọn. Tuy nhiên, kết quả đạt được cũng phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của bác sĩ.
- Tiêm nguyên bào sợi tự thân: có thể là một lựa chọn thay thế tốt cho tiêm chất độn mô mềm trong tương lai.