Vảy phấn hồng: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Vảy phấn hồng là bệnh da tương đối phổ biến, đặc trưng bởi các mảng dát đỏ hình tròn hoặc oval, bên trên phủ lớp vảy mỏng, ngứa . Bài viết sẽ cung cấp cái nhìn tổng quan về bệnh vảy phấn hồng, bao gồm nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị.
Tổng quan vảy phấn hồng
- Bệnh được Gibert mô tả lần đầu tiên vào năm 1860 nên được lấy tên là vảy phấn hồng Gibert.
- Vảy phấn hồng là bệnh đỏ da cấp tính, đặc trưng bởi các mảng dát sẩn hình tròn hoặc hình oval, có viêm nhẹ, thường thấy ở ngực, lưng và bụng.
- Mảng tổn thương "mẹ" (Herald patch) được nhìn thấy ở 50-90% các trường hợp ít nhất là 1 tuần trước khi xuất hiện các tổn thương con.
- Bệnh có thể tự khỏi sau 6–10 tuần.
Nguyên nhân vảy phấn hồng
Nguyên nhân chính xác hiện nay vẫn chưa rõ. Người ta đưa ra giả thuyết nguyên nhân là do virus, vi khuẩn và không do nhiễm trùng. Các báo cáo cho rằng bệnh vảy phấn hồng có thể do:
- Nhiễm trùng do virus
- Gần đây người ta cho rằng Virus Herpes typ 6 và 7 (HHV 6, 7) là nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục.
- Các bệnh nhiễm trùng do virus khác, ví dụ cúm A H1N1 hay COVID-19 , cũng có thể là nguyên nhân gây ra bệnh.
- Phản ứng do thuốc gây ra
- Nhiều loại thuốc kết hợp gây khởi phát bệnh, ví dụ thuốc ức chế men chuyển angiotensin , NSAIDs , hydrochlorothiazide, captopril, metronidazole, isotretinoin,...
- Vắc-xin
- Bệnh vảy phấn hồng có thể do vắc-xin Bacillus Calmette-Guerin (BCG), H1N1, bạch hầu, đậu mùa, viêm gan B, phế cầu khuẩn và COVID-19 gây ra.
Đối tượng nguy cơ mắc vảy phấn hồng
- Vảy phấn hồng có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất ở thanh thiếu niên và người trẻ (10–35 tuổi).
- Gặp nhiều hơn ở nữ, tỉ lệ nam/nữ: 1/1.43
- Tỷ lệ mắc bệnh ước tính từ 0,5% đến 2%
- Hầu hết các trường hợp xảy ra vào mùa đông
- Hiếm gặp ở trẻ nhỏ và người già
Triệu chứng vảy phấn hồng
TRIỆU CHỨNG TOÀN THÂN
- Vài ngày trước khi có tổn thương, khoảng 69% bệnh nhân có các triệu chứng giống cúm như ho, đau họng.
- Ngứa mức độ từ nhẹ đến nặng ở 25% bệnh nhân
THƯƠNG TỔN "MẸ"
Thương tổn "mẹ" là một thương tổn đơn độc xuất hiện trước khi phát ban toàn thân. Chúng có hình tròn hoặc hình bầu dục, màu hồng cam hoặc đỏ, ranh giới rõ, đường kính 2–5 cm, trên nền có vảy da mỏng ở phía bờ rìa tổn thương, giống như một chiếc vòng cổ.
THƯƠNG TỔN “CON”
Sau khi thương tổn “mẹ” xuất hiện vài ngày đến vài tuần, nhiều thương tổn "con" xuất hiện ở ngực và lưng, thường lần lượt từ trên xuống dưới. Một số có thể gặp ở đùi, cánh tay và cổ, nhưng ít xuất hiện ở mặt, da đầu, lòng bàn tay/bàn chân. Tương tự thương tổn “mẹ” , nhưng chúng có kích thước nhỏ hơn, phân bố đối xứng dọc theo trục của xương sườn 2 bên tạo hình ảnh cây thông Noel.
Các thương tổn có thể nặng lên hoặc xuất hiện thêm một đợt mới trước khi tự khỏi. Ở trẻ em, sự phân bố và tổn thương thường không điển hình.
VẢY PHẤN HỒNG KHÔNG ĐIỂN HÌNH
Bệnh vảy phấn hồng không điển hình thường chẩn đoán khó khăn, có thể có các đặc điểm sau:
- Hình thái bất thường như sẩn, mụn nước, mảng sẩn phù, ban xuất huyết hoặc tổn thương hình bia bắn (trong hồng ban đa dạng)
- Kích thước lớn
- Phân bố bất thường như thể đảo ngược, tổn thương ở các nếp gấp (nách và bẹn), hoặc khu trú ở các chi nhưng thân mình thì không bị.
- Ở niêm mạc , ví dụ loét miệng
- Thương tổn "mẹ" đơn độc, không có tổn thương thứ phát
- Nhiều thương tổn "mẹ"
- Không có thương tổn "mẹ"
- Một lượng lớn các mảng thương tổn
- Ngứa dữ dội
- Bệnh kéo dài
- Tái phát nhiều lần.
Biến chứng của vảy phấn hồng
Biến chứng của vảy phấn hồng rất ít gặp, có thể là:
- Sinh non/thai chết lưu
- Hội chứng quá mẫn thuốc do tái hoạt Herpes 6/7 liên quan đến thuốc
- Tăng/Giảm sắc tố kéo dài
Chẩn đoán vảy phấn hồng
CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH
Chẩn đoán chủ yếu dựa vào lâm sàng. Trường hợp không điển hình có thể dựa vào:
- Xét nghiêm mô bệnh học: Hình ảnh viêm da bán cấp
- Tăng bạch cầu ái toan là triệu chứng điển hình của vảy phấn hồng do thuốc.
CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT
- Lichen phẳng
- Vảy nến
- Vảy phấn đỏ nang lông
- Hồng ban đa dạng
- Vảy nến thể giọt
- Giang mai thứ phát
- Vảy phấn trắng
- Viêm da dầu
- Nấm da thân
- Lang ben
Điều trị bệnh vảy phấn hồng
BIỆN PHÁP CHUNG
Bệnh vảy phấn hồng co thể tự khỏi trong khoảng 6–10 tuần, mục tiêu quan trọng của điều trị là kiểm soát tình trạng ngứa gặp ở 25% bệnh nhân. Các biện pháp có thể áp dụng:
- Thoa kem dưỡng ẩm cho da khô
- Tắm hoặc tắm vòi sen bằng nước thường và dầu tắm, kem dưỡng da hoặc chất thay thế xà phòng khác
- Thận trọng khi phơi nắng dưới mặt trời (không để da bị bỏng).
BIỆN PHÁP CỤ THỂ
- Bôi kem/thuốc mỡ steroid mức độ trung bình tại chỗ và uống thuốc kháng histamine.
- Đối với những bệnh nhân bị ngứa dữ dội, điều trị bằng kẽm oxit , kem calamine và thậm chí cả steroid đường uống. Không khuyến khích sử dụng steroid đường uống thường xuyên do nguy cơ tái phát sau khi điều trị và các bằng chứng còn hạn chế.
- Dùng Acyclovir có thể làm mất thương tổn nhanh hơn và giúp giảm ngứa trong những trường hợp nghiêm trọng.
- Các trường hợp lan rộng hoặc dai dẳng có thể được điều trị bằng liệu pháp quang trị liệu ( liệu pháp UVB dải hẹp )
- Thuốc kháng sinh nhóm Macrolide đã từng được khuyến khích sử dụng nhưng dường như không mang lại tác dụng.