Viêm da cơ địa: Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán

Viêm da cơ địa (VDCĐ) là một bệnh da thường gặp, ảnh hưởng đến 5–20% trẻ em và khoảng 10% người lớn trên toàn thế giới. Bệnh thường xuất hiện lần đầu ở trẻ dưới 5 tuổi và tiến triển kéo dài ở khoảng 50% bệnh nhân. Đôi khi, có trường hợp khởi phát muộn ở tuổi trưởng thành.

Viêm da cơ địa: Nguyên nhân, triệu chứng và chẩn đoán
Hình 1: Viêm da cơ địa mạn tính.
NGUYÊN NHÂN
  • VDCĐ là một bệnh di truyền phức tạp, thường đi kèm với các rối loạn dị ứng khác như viêm mũi dị ứng, hen suyễn, dị ứng thức ăn, và hiếm gặp hơn là viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan. Các rối loạn này có thể xuất hiện đồng thời hoặc nối tiếp nhau.
  • Cơ chế bệnh sinh của VDCĐ có thể được chia thành ba loại chính: rối loạn chức năng hàng rào biểu bì, rối loạn miễn dịch và biến đổi hệ vi sinh vật. Mỗi loại lại được điều chỉnh bởi các yếu tố di truyền và môi trường.
  • Các yếu tố di truyền chiếm khoảng 90% khả năng mắc VDCĐ khởi phát sớm. Đặc biệt, các đột biến mất chức năng dòng mầm trong gen FLG, mã hóa protein hàng rào bảo vệ da filaggrin, làm tăng đáng kể nguy cơ mắc VDCĐ và các bệnh dị ứng khác. Ngoài ra, việc phơi nhiễm với ô nhiễm không khí và các kháng nguyên trong môi trường cũng là yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh.
ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG

VDCĐ có biểu hiện lâm sàng đa dạng, thay đổi theo độ tuổi. Bệnh được chia thành ba giai đoạn: trẻ sơ sinh, trẻ em, và thanh thiếu niên/người lớn. Ở mỗi giai đoạn, bệnh nhân có thể phát triển các tổn thương cấp tính, bán cấp và mạn tính, tất cả đều gây ngứa dữ dội và thường bị trầy xước.

Các tổn thương cấp tính chiếm ưu thế ở VDCĐ trẻ sơ sinh, đặc trưng bởi các sẩn, mảng đỏ, phù nề, có thể kèm theo mụn nước, rỉ dịch và đóng vảy thanh dịch. Tổn thương bán cấp biểu hiện bằng các dát đỏ, đóng vảy và bong vảy. Tổn thương mạn tính—đặc trưng của VDCĐ ở thanh thiếu niên/người lớn—có đặc điểm là các mảng dày da, lichen hóa, đóng vảy, và có thể có các sẩn ngứa. Trong đó:

  • VDCĐ ở trẻ sơ sinh (<2 tuổi): thường bắt đầu biểu hiện ở trẻ 2 tháng tuổi, ban đầu xuất hiện dưới dạng các sẩn phù và mụn nước trên má, sau có thể tiến triển thành các mảng lớn có rỉ dịch và đóng vảy. Da đầu, cổ, các nếp gấp của tay chân, thân mình cũng thường bị ảnh hưởng.
  • VDCĐ ở trẻ em (2 – 12 tuổi): các tổn thương có xu hướng giảm tiết dịch và lichen hóa. Các vị trí điển hình là nếp gấp ở khuỷu tay, kheo chân, cổ tay, bàn tay, mắt cá chân, bàn chân, cổ và mí mắt. Thường có khô da.
  • VDCĐ ở người lớn/vị thành niên (>12 tuổi): tổn thương dạng lichen hóa bán cấp đến mãn tính, các tổn thương vùng nếp gấp thường tái diễn.

Sau khi khỏi, các tổn thương có thể để lại dát tăng sắc tố sau viêm, giảm sắc tố, hoặc đôi khi là mất sắc tố.

Hình 2: Hình ảnh viêm da cơ địa ở trẻ sơ sinh.
XÉT NGHIỆM
  • Xét nghiệm IgE:
    • Tăng cao trong khoảng 70-80% bệnh nhân.
  • Xét nghiệm mô bệnh học:
    • Thượng bì: xốp bào; thoát dịch: từ trung bì, huyết thanh thoát ra xen kẽ vào khoảng gian bào; thoát bào: xâm nhập khoảng gian bào của thượng bì các bạch cầu đa nhân, lympho, tổ chức bào.
    • Trung bì: Các nhú bì sung huyết, mao quản giãn to, phù nề, xung quanh có nhiều bạch cầu.
CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH

Chẩn đoán dựa vào bộ tiêu chuẩn Hanifin và Raika, gồm 4 triệu chứng chính và 23 triệu chứng phụ. Một người được chẩn đoán là viêm da cơ địa khi có ít nhất 3 triệu chứng chính và 3 triệu chứng phụ:

  • 4 triệu chứng chính:
    • Ngứa.
    • Hình thái và vị trí thương tổn điển hình: trẻ em mụn nước tập trung thành đám ở mặt, trẻ lớn và người lớn các mảng lichen hóa thường ở nếp gấp.
    • Viêm da mạn tính trong tái phát.
    • Tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị bệnh cơ địa như: hen phế quản, viêm da mũi dị ứng, viêm da cơ địa.
  • 23 triệu chứng phụ:
    • Khô da
    • Vảy cá thông thường
    • Phản ứng da tức thì
    • Tuổi phát bệnh sớm
    • Tăng IgE huyết thanh
    • Viêm da bàn tay bàn chân không đặc hiệU
    • Chàm núm vú
    • Dễ nhiễm trùng da
    • Viêm môi
    • Viêm kết mạc tái phát
    • Nếp dưới mi mắt của Dennie Morgan
    • Giác mạc hình chóp
    • Đục thủy tinh thể dưới màng bọc trước
    • Thâm quanh mắt
    • Ban đỏ, ban xanh ở mặt
    • Vẩy phấn alba
    • Nếp lằn cổ trước
    • Ngứa khi ra mồ hôi
    • Không chịu được len và chất hòa tan mỡ
    • Dày sừng quanh nang lông
    • Dị ứng thức ăn
    • Tiến triển bệnh có ảnh hưởng bởi yếu tố môi trường và tinh thần
    • Da vẽ nổi.
CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT
  • Chàm vi khuẩn: mụn nước tập trung thành đám, ranh giới rõ, vị trí bất kỳ ở đâu và thường liên quan với ổ nhiễm trùng.
  • Viêm da dầu: da đỏ, có vày, ngứa, hay gặp ở vùng da mỡ: rãnh mũi má, hai kẽ sau tai, trán, hai cung mày, cầm, phía trên ngực, vùng giữa hai bả vai.
  • Viêm da tiếp xúc: mụn nước, bọng nước trên nền da đỏ, có thể loét tùy theo mức độ phản ứng. Vị trí thương tổn là vùng hở, vùng tiếp xúc với dị nguyên.
  • Ghẻ: mụn nước rải rác khắp người nhưng thường khu trú ở một số vị trí đặc biệt như kẽ tay, nếp cổ tay, mông, hai đùi, hai nếp gấp vú, khuỷu tay. Ở các đường chỉ lòng bàn tay có thể có luống ghẻ. Ngứa về đêm.
  • Rôm sảy: hay gặp vào mùa hè, các mụn rộp rải rác, toàn thân.