Viêm nang lông: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm nang lông là tình trạng viêm nhiễm ở nang lông, gây ra bởi nhiều tác nhân như vi khuẩn, nấm, virus, ký sinh trùng hoặc các yếu tố kích ứng. Biểu hiện thường gặp là các nốt sẩn đỏ, mềm, có mủ trên bề mặt da vùng có lông.
Tổng quan về viêm nang lông
- Viêm nang lông là sự xâm nhập của các tế bào viêm ở nang lông, tạo thành ổ mủ.
- Bệnh gặp ở bất kỳ chủng tộc nào
- Tỷ lệ nam, nữ tương đương, xuất hiện ở mọi lứa tuổi.
- Có 2 loại: viêm nang lông nông và viêm nang lông sâu
- Viêm nang lông có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm nhiễm trùng, hậu quả sau chấn thương, tắc nghẽn nang lông và gặp ở một số bệnh lý khác.
- Yếu tố tăng nguy cơ: cạo râu, suy giảm miễn dịch, các bệnh da có từ trước, sử dụng kháng sinh kéo dài, mặc quần áo chật, môi trường ẩm ướt, đái tháo đường, béo phì,...
Nguyên nhân gây viêm nang lông
NHIỄM TRÙNG
Nhiễm trùng là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm nang lông. Các tác nhân có thể là:
- Vi khuẩn: Tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) là tác nhân phổ biến nhất. Các loại vi khuẩn khác như trực khuẩn mủ xanh (Pseudomonas aeruginosa), Klebsiella, Enterobacter, Proteus cũng có thể gây viêm nang lông.
- Nấm: Các loại nấm như Malassezia, nấm sợi và Candida. albicans.
- Virus: ít gặp, thường do Varicella zoster virus (VZV), Herpes Simplex virus (HSV), hiếm gặp hơn là Molluscum contagiosun virus (MCV).
- Ký sinh trùng: Demodex có thể gây viêm nang lông ở người lớn tuổi hoặc người suy giảm miễn dịch.
CÁC NGUYÊN NHÂN KHÁC
Ngoài nhiễm trùng, viêm nang lông còn có thể do:
- Do lông mọc ngược: Lông mọc ngược sau khi cạo, tẩy lông, triệt lông hoặc nhổ có thể gây viêm nang lông.
- Tiếp xúc với các loại thuốc bôi:
- Gây tắc nghẽn nang lông: Các loại thuốc mỡ gốc parafin, kem dưỡng ẩm và miếng dán dính có thể gây viêm nang lông vô trùng.
- Hoá chất: Một số hóa chất có thể gây viêm nang lông do kích ứng.
- Steroid tại chỗ: Lạm dụng steroid tại chỗ có thể dẫn đến viêm nang lông do thuốc.
- Suy giảm miễn dịch: Viêm nang lông ái toan có thể xảy ra ở những người bị suy giảm miễn dịch như người nhiễm HIV hoặc ung thư.
- Thuốc: Corticosteroid, androgen (hormone nam), hormone vỏ thượng thận (ACTH), lithium, isoniazid, phenytoin, vitamin nhóm B và một số thuốc điều trị ung thư có thể gây viêm nang lông.
- Các bệnh viêm da: Viêm nang lông có thể là triệu chứng của một số bệnh viêm da như lichen phẳng, lupus ban đỏ dạng đĩa, viêm nang tóc rụng và viêm nang lông sẹo lồi.
Triệu chứng
Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, viêm nang lông có thể biểu hiện với các triệu chứng khác nhau:
- Nốt sẩn đỏ, mềm xung quanh nang lông: Đây là triệu chứng phổ biến nhất, các nốt sẩn này có thể chứa mủ.
- Ngứa: Hay gặp, đặc biệt trong trường hợp viêm nang lông do nấm Malassezia.
- Đau: Một số trường hợp viêm nang lông, đặc biệt là viêm nang lông sâu do vi khuẩn, có thể gây đau.
- Rụng tóc: Có thể gây rụng tóc, tạm thời hoặc vĩnh viễn, tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng
- Sẹo: Viêm nang lông sâu hoặc tái phát nhiều lần có thể để lại sẹo.
Chẩn đoán
Chẩn đoán viêm nang lông chủ yếu dựa vào khám lâm sàng, bao gồm quan sát các triệu chứng và vị trí tổn thương. Để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ có thể chỉ định một số xét nghiệm như:
- Nuôi cấy dịch, mủ: Xét nghiệm này giúp xác định loại vi khuẩn, nấm hoặc virus gây viêm nang lông.
- Soi tươi: Soi tươi mẫu bệnh phẩm dưới kính hiển vi giúp phát hiện nấm, ký sinh trùng hoặc các tế bào bất thường.
- Sinh thiết da: Sinh thiết da được thực hiện trong trường hợp nghi ngờ viêm nang lông do các bệnh lý da khác.
Điều trị
Phương pháp điều trị viêm nang lông phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh, mức độ nghiêm trọng và vị trí tổn thương.
Điều trị theo nguyên nhân
VIÊM NANG LÔNG DO VI KHUẨN:
- Tại chỗ: Vệ sinh sạch sẽ, sử dụng dung dịch sát trùng, bôi kem kháng sinh (mupirocin, clindamycin, acid fucidic).
- Toàn thân: Kháng sinh đường uống được chỉ định trong trường hợp viêm nang lông nặng, tùy theo loại vi khuẩn và mức độ nghiêm trọng.
VIÊM NANG LÔNG DO NẤM
- Tại chỗ: Sử dụng dầu gội hoặc sữa tắm chứa selenium sulfide, ketoconazole, ciclopirox, kem kháng nấm (ciclopirox, terbinafine, clotrimazole).
- Toàn thân: Sử dụng thuốc kháng nấm đường uống (fluconazole, itraconazole, terbinafine, griseofulvin).
VIÊM NANG LÔNG DO VIRUS
- HSV: Sử dụng thuốc kháng virus acyclovir, valacyclovir hoặc famciclovir.
- VZV: Sử dụng acyclovir liều cao.
- MCV: Nạo tổn thương, áp nito lạnh, chấm dung dịch podophyllotoxin hoặc trichloracetic acid.
VIÊM NANG LÔNG DO KÝ SINH TRÙNG (DEMODEX)
- Tại chỗ: Bôi permethrin 5%.
- Toàn thân: Uống ivermectin hoặc metronidazole.
Các biện pháp hỗ trợ
- Giữ vệ sinh cá nhân tốt: Tắm rửa thường xuyên bằng xà phòng kháng khuẩn, lau khô người sau khi tắm.
- Mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát: Tránh mặc quần áo bó sát, ẩm ướt, đặc biệt là trong thời tiết nóng ẩm.
- Hạn chế cạo lông, tẩy lông: Sử dụng dao cạo điện, kem cạo râu để giảm thiểu kích ứng da.
- Tránh tiếp xúc với các chất kích ứng: Mang găng tay bảo hộ khi tiếp xúc với hóa chất.
- Tăng cường sức đề kháng.
Biến chứng
Viêm nang lông thường là bệnh lành tính và tự khỏi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh có thể gây ra biến chứng như:
- Nhiễm trùng lan rộng: Nhiễm trùng có thể lan sang các mô xung quanh, gây áp xe, viêm mô tế bào.
- Sẹo: Viêm nang lông nặng hoặc kéo dài có thể để lại sẹo vĩnh viễn trên da.
- Rụng tóc: Viêm nang lông ở da đầu có thể gây rụng tóc tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Kết luận
Viêm nang lông là bệnh lý da liễu phổ biến, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc chẩn đoán chính xác nguyên nhân và điều trị kịp thời là rất quan trọng để ngăn ngừa biến chứng và mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất. Bên cạnh đó, việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa như giữ vệ sinh cá nhân tốt, mặc quần áo thoáng mát, hạn chế cạo lông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát bệnh.