Viêm quầng: Những điều cần biết

Viêm quầng thuộc nhóm bệnh nhiễm trùng mô mềm thường gặp.

Viêm quầng: Những điều cần biết
Viêm quầng ở mặt

Bệnh viêm quầng là gì?

Viêm quầng là một tình trạng nhiễm trùng cấp tính của da và mô mềm dưới da, chủ yếu xảy ra ở vùng da quanh chân, tay hoặc mặt. Nguyên nhân thường gặp là do liên cầu, vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua những vết trầy xước, vết thương hoặc vết rách nhỏ trên da.

Nếu không được điều trị kịp thời, viêm quầng có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết, áp xe hay viêm mô tế bào sâu. Vì vậy, khi phát hiện các triệu chứng của bệnh, chúng ta cần đi khám và điều trị kịp thời để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.

Ai mắc bệnh viêm quầng?

Viêm quầng thường gặp ở trẻ nhỏngười già, nhưng cũng có thể gặp ở bất kỳ nhóm tuổi nào, đặc biệt là những đối tượng có yếu tố nguy cơ, bao gồm:

  • Hàng rào bảo vệ da bị tổn thương do côn trùng cắn, loét và các bệnh mạn tính về da như vảy nến, nấm da, viêm da cơ địa,...
  • Các chấn thương (ví dụ vết thương do phẫu thuật, xạ trị,...)
  • Ở trẻ sơ sinh, trường hợp dây rốn bị hở và có tổn thương tại vị trí tiêm chủng
  • Nhiễm trùng vùng mũi họng
  • Suy động tĩnh mạch
  • Thiếu hụt hoặc suy giảm miễn dịch:
    • Đái tháo đường
    • Nghiện rượu
    • Béo phì
    • Virus gây suy giảm miễn dịch ở người (HIV)
  • Hội chứng thận hư
  • Mang thai

Viêm quầng vùng mặt thường là bắt đầu từ viêm mũi họng, trong đó viêm họng do liên cầu chiếm một phần ba số trường hợp.

Nguyên nhân gây bệnh viêm quầng

  • Nguyên nhân chính là do liên cầu. Hầu hết các tổn thương vùng mặt là do liên cầu tan huyết beta nhóm A (Streptococcus pyogenes) gây ra, trong khi tổn thương vùng chi dưới thường do liên cầu không phải nhóm A. Độc tố của chúng góp phần làm tổn thương viêm lan ra nhanh chóng.
  • Tụ cầu vàng có thể gây viêm quầng bọng nước. Vai trò của tụ cầu vàng và tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA) trong bệnh vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Bọng nước trong bệnh viêm quầng

Đặc điểm lâm sàng của bệnh viêm quầng

  • Thời gian ủ bệnh từ 2 - 5 ngày.
  • Các triệu chứng thường khởi phát đột ngột kèm theo sốt, ớn lạnh, mệt mỏi và buồn nôn. Sau khoảng vài giờ đến một ngày sẽ xuất hiện mảng đỏ, phù nề, ranh giới rõ với vùng da lành và lan rộng ra xung quanh. Sờ thấy nóng, căng, có thể thấy đau, bỏng rát. Thường có sưng các hạch vùng, có thể kèm theo viêm hạch theo đường bạch huyết.
Viêm quầng ở chân
  • Vị trí hay gặp ở chi dưới, khi ở mặt, tổn thương có thể phân bố theo hình cánh bướm trên má và sống mũi. Ở trẻ sơ sinh, chúng thường ở rốn hoặc vùng tã lót.
  • Có thể có mụn nước, bọng nước, mụn mủ và các đám xuất huyết hoại tử.

Biến chứng của bệnh viêm quầng

Biến chứng rất hiếm gặp và chỉ xảy ra ở những bệnh nhân có bệnh lý kèm theo, bao gồm:

  • Áp xe
  • Hoại tử
  • Viêm tắc tĩnh mạch
  • Phù chân
  • Nhiễm trùng ở xa vị trí tổn thương:
    • Viêm nội tâm mạc
    • Viêm khớp
    • Viêm bao hoạt dịch
    • Viêm gân
  • Viêm cầu thận (sau nhiễm liên cầu)
  • Huyết khối xoang hang
  • Hội chứng sốc nhiễm độc do liên cầu (hiếm gặp).

Khi điều trị ổn định, tổn thương bong vảy để lại dát tăng/giảm sắc tố sau viêm.

Chẩn đoán bệnh viêm quầng

Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng đặc trưng. Các xét nghiệm có thể thấy:

  • Tăng số lượng tế bào bạch cầu
  • Protein C phản ứng tăng cao
  • Kết quả nuôi cấy máu dương tính xác định được vi khuẩn.

Chụp MRI và CT được thực hiện trong trường hợp nhiễm trùng sâu.

Điều trị bệnh viêm quầng

TẠI CHỖ
  • Nghỉ ngơi tại giường, hạn chế lao động nặng
  • Với tổn thương chi dưới cần gác cao chân để làm giảm phù nề, sưng do ứ trệ
  • Đắp dung dịch Jarish giảm phù nề, làm khô đối với trường hợp có bọng nước
  • Bôi mỡ kháng sinh
TOÀN THÂN

Điều trị kháng sinh toàn thân trong 7 - 10 ngày, có thể kéo dài đến 2 tuần.

Trường hợp nhẹ: có thể điều trị ngoại trú bằng:

  • Augmentin
  • Cephalexin
  • Cefadroxil
  • Dicloxacillin
  • Nếu dị ứng với penicillin, có thể dùng kháng sinh nhóm macrolid.

Trường hợp nặng: nhiễm khuẩn diện rộng và có bệnh lý kèm theo, cần được nhập viện và điều trị bằng kháng sinh đường tĩnh mạch .

Trong trường hợp nguyên nhân gây bệnh là tụ cầu:

  • Điều trị bằng một penicillin kháng penicilinase bán tổng hợp (như methicillin, oxacillin, cloxacillin)
  • Nếu dị ứng với penicillin, thay bằng cefazolin tiêm tĩnh mạch
  • Nếu kháng methicillin, thay bằng vancomycin tiêm tĩnh mạch